Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông
(VOVTV) - Sáng 14/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương và địa phương liên quan. Phiên họp được truyền trực tuyến tới 44 địa phương có các công trình giao thông trọng điểm đi qua.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giao thông nói chung và cụ thể là đường cao tốc, sân bay, bến cảng phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó; đồng thời góp phần giảm chi phí logistics, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa cả trong nước và trên thế giới.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Ngay đầu nhiệm kỳ, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo nhằm thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.
Ban Chỉ đạo thường xuyên họp để rà soát, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cả nước đã hoàn thành 674km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc cả nước lên khoảng 2.000 km.
Các dự án hàng không như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nhà ga T2 cảng hàng không Quốc tế Nội Bài; đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc kết nối vùng, Đông - Tây… được thúc đẩy, triển khai. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vẫn có một số khó khăn, vướng mắc như về thủ tục, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng san lấp…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung rà soát tình hình triển khai các dự án, kiểm điểm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu san lấp, việc thí điểm sử dụng cát biểu làm vật liệu san lấp; đồng thời rà soát, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án, nhất là trong mua - bán thầu, mua - bán nguyên vật liệu…
Trên tinh thần "bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó; không nói có mà không làm", tất cả vì lợi ích Quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp tập trung thúc đẩy các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan, an toàn lao động, nhất là trong việc điều phối, chia sẻ vật liệu san lấp tại các dự án đường bộ cao tốc.
Các Bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống chính trị; huy động các lực lượng, doanh nghiệp tham gia triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải như đã tham gia triển khai đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các dự án; xem xét phát động phong trào thi đua 500 ngày hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã tổ chức 11 phiên họp; Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 5 Quyết định kiện toàn thành viên và bổ sung các dự án vào danh mục dự án thuộc Ban Chỉ đạo, nâng tổng số lên 40 dự án/92 dự án thành phần (DATP) trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không, các dự án đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tại các phiên họp, các chuyến công tác, kiểm tra hiện trường để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương triển khai các dự án. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành 674 km/02 dự án/12 DATP thuộc danh mục dự án Ban Chỉ đạo, nâng tổng số đường bộ cao tốc khoảng 2.000 km, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, làm tiền đề hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc.
Tại Phiên họp lần thứ 11 của Ban Chỉ đạo ngày 8/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; đến nay, các đơn vị đang tích cực triển khai 14 nhiệm vụ chưa đến hạn; 22 nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục; đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu.
Về tình hình thực hiện các dự án, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết: về công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Bộ giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Phước đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành và đã giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội để Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.
Về công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi: các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương và Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú. Trong đó, đã trình Hội đồng thẩm định liên ngành 3 dự án; tuy nhiên, việc thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc còn chậm. Tỉnh Sơn La, Lâm Đồng chậm trong triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Bảo Lộc - Liên Khương.
Về công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo và tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024, các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực triển khai để bàn giao mặt bằng thi công; tuy nhiên, diện tích còn lại là phần đất ở nên việc triển khai còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang. Các chủ đầu tư, các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực triển khai di dời đường điện cao thế; tuy nhiên, tiến độ triển khai tại một số dự án còn chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Về vật liệu xây dựng: các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ: nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các dự án khu vực phía Nam: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì đoàn công tác, làm việc với các địa phương và giao nhiệm vụ cho Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án trong khu vực. Bộ giao thông vận tải đã báo cáo phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp và dự kiến phương án điều phối; hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ giao thông vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công.
Về công tác triển khai thi công: Bộ giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch; riêng dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận tiến độ còn chậm so với kế hoạch, trong thời gian tới khi mặt bằng và vật liệu xây dựng được tháo gỡ, các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ tăng tốc để bù tiến độ bị chậm.
Tiến độ triển khai thi công tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hà Giang, Đồng Tháp bám sát yêu cầu; các tỉnh còn lại tiến độ chưa đạt yêu cầu do các vướng mắc về mặt bằng thi công cũng như nguồn vật liệu đắp.
Về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành: DATP 1: trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đang triển khai đáp ứng tiến độ; các trụ sở còn lại đang phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán làm cơ sở triển khai thi công; DATP 2 và DATP 3: đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra; DATP 4: đang tích cực triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành: các gói thầu đang triển khai bám sát tiến độ, còn gói thầu J3-1 chưa chọn được nhà thầu thi công do vướng mắc liên quan điều kiện ràng buộc nhà thầu của Hiệp định vay, có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và hoàn thiện các thủ tục liên quan, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý IV/2024. Tỉnh Hòa Bình và Tiền Giang chậm trong triển khai lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu để thi công dự án Hòa Bình - Mộc Châu và Cao Lãnh - An Hữu…/.