Thủ tướng chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước
(VOVTV) - Sáng nay 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì, cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, đại diện các công ty nhà nước.
Trước khi vào hội nghị, các đại biểu đã dành phút mặc niệm 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong và mất tích do lũ ống, lũ quét tại Lào Cai những ngày vừa qua.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Và xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KTXH. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Thủ tướng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng DN, sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của CP, TTgCP, KTXH tháng 8 và 8 tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước” trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; thu NSNN đạt 69,4% dự toán; Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, sãi suất tiếp tục xu hướng giảm; Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD; xuất siêu gần 20,2 tỷ USD; An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tăng lên 50,5 điểm vượt qua ngưỡng 50 điểm (sau 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm), thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh: nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được ban hành...
Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại như, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn về sức ép lạm phát, thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 03 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm…
Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của CMCN 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… tác động nhiều mặt đến năng lực SXKD, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng DN nói chung và các DNNN nói riêng.
Đồng thời, chúng ta đang nỗ lực thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, năm nay là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, chúng ta vừa bước vào một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, chúng ta cần cụ thể hóa Tuyên bố chung tại cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Giô-Bai đần với tinh thần hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương để phát triển đất nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta đã tổ chức các Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt DNNN, làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc với kết quả là nhiều Nghị quyết, Chỉ thị được ban hành nhưng chưa có nhiều chuyển biến rõ nét trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của bối cảnh mới, thời kỳ mới. Đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, yêu cầu ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường như đã nêu tại Nghị quyết 12-NQ/TW khóa XII nhằm khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, cả nước có gần 680 doanh nghiệp nhà nước (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, với vai trò tiên phong, nòng cốt và nắm giữ nhiều nguồn lực nhất, nhưng vẫn chưa thể hiện tốt vị thế, vai trò của mình, chưa thực hiện tốt sứ mệnh của mình là: Tập trung đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư… Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của DNNN về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, coi đây là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
Thủ tướng nhấn mạnh, để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những nội: Thứ nhất, chúng ta cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây cũng là công việc phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.
Thứ hai, cần đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” và “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thứ ba, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN Trung ương và DNNN địa phương trong giai đoạn tới. Theo tôi, DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo động lực cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn…
Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung phát biểu, có ý kiến đi thẳng vào những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN. Đồng thời, đề xuất rõ cấp nào, Bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó. Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra và đề xuất tiến độ/thời hạn xử lý. Chính phủ cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng. Những khó khăn, vướng mắc của DNNN sẽ được Chính phủ, các Bộ, ban ngành có mặt tại Hội nghị hôm nay cam kết xử lý triệt để, toàn diện và có trách nhiệm./.
Tin nổi bật
Tin Video