Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản
(VOVTV) - Sáng 13/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023”.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản; chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản; đại diện các tổ chức quốc tế.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và ngành thủy sản nước ta luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm sản, thủy sản nói riêng.
Ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD; đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng.
Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...
Tăng trưởng có xu hướng chậm lại, không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt một số lĩnh vực như lâm sản, thủy sản đã sụt giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị (quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%); số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hội nghị này để đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kết quả sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản năm 2023.
Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đưa giá trị xuất khẩu: lâm sản năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD và thủy sản đạt 10 tỷ USD.
Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ, nhận diện một cách đầy đủ, chính xác, khách quan các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản, nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Khó khăn, vướng mắc gì, ở khâu nào? Về cơ chế chính sách, về tiếp cận vốn, thị trường… cũng như cấp nào, cơ quan đơn vị nào?
Kinh nghiệm và bài học của các ngành, doanh nghiệp trong ứng phó và vượt qua khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua; các kinh nghiệm, cách làm hay cần được nhân rộng trong thời gian tới,….
Hội nghị cần làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải triển khai cấp bách cũng như lâu dài; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội, của các cơ quan quản lý nhà nước.
Về nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ (trên 20%) và thủy sản, đối mặt với nguy cơ điều tra nguồn gốc nguyên liệu và các biện pháp phòng vệ thương mại. Giống vẫn là khâu yếu đối với tất cả các lĩnh vực trong nông nghiệp. Vậy phải làm gì để chủ động cung cấp nguồn giống tôm, cây trồng có chất lượng cao, giá thành hợp lý? Đối với nguyên liệu chế biến gỗ, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn để đạt được mục đích kép - vừa chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, minh bạch xuất xứ, vừa tạo công ăn việc làm và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Về thị trường, Thủ tướng yêu cầu trả lời câu hỏi làm gì để tận dụng được cơ hội, lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTTP, EVFRT, RCEP,…; khắc phục các vướng mắc, rào cản của các thị trường nhất là EU, Mỹ và Trung Quốc. Đối với thị trường xuất khẩu cần tìm ra các dư địa và mở rộng các thị trường mới nào? Cơ cấu lại những mặt hàng nào, thay vì từ trước đến nay chỉ tập trung vào một số mặt hàng đồ nội thất, bàn ghế ngoài trời giá rẻ với số lượng lớn, với tình hình hiện nay thì có nên đa dạng hóa sản phẩm hay không.
Ví dụ như chuyển hướng làm các đồ nội thất cao cấp, đắt tiền, có giá trị gia tăng cao cho thị trường Trung Đông, Đông Bắc Á và các mặt hàng nguyên liệu trung gian (ván ép, viên nén, dăm gỗ)? Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp cần làm gì để tận dụng tiềm năng của thị trường nội địa với 100 triệu dân; công tác quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cần phải triển khai như thế nào cho hiệu quả.
Về đổi mới khoa học công nghệ và chuyển đổi số, theo Thủ tướng, đây là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành, nâng cao tính minh bạch và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Theo đó, cần phải làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ quản trị doanh nghiệp đáp ứng với tình hình mới.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu ở trên thì cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật nào, thuộc trách nhiệm của ai, bộ ngành nào.
Tin nổi bật
Tin Video