Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và XTĐT tỉnh Long An
(VOVTV) - Sáng nay 25/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Long An và các địa phương trong vùng, cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị công bố Quy hoạch và XTĐT tỉnh Long An là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KTXH của Long An trong thời gian tới. Đồng thời cũng là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây cũng là Diễn đàn quan trọng, là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Long An; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành TW có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Long An. Quy hoạch tỉnh Long An được công bố hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.
Phát biểu tại đây Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đã chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, Ông cho biết, tỉnh Long An nằm trong khu vực phát triển rất năng động, giao thoa giữa các vùng ĐNB và ĐBSCL.
Long An có vị trí địa kinh tế hết sức thuận lợi, giao thoa kết nối giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng, kết nối chặt chẽ với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, đầu mối giao thương quan trọng với Campuchia.
Long An hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển KTXH với kết cấu hạ tầng KTXH của tỉnh và trong khu vực được quan tâm hoàn thiện, nhất là giao thông đường bộ, đường thuỷ, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư; Có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistics (Long An có quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ 12/63 cả nước); Là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI; có nền tảng công nghiệp phát triển với chủ lực là ngành chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng trên 90%); có cộng đồng DN lớn (với hơn 16.000 DN); Có tiềm năng lớn về phát triển du lịch; là trung tâm đầu mối về kinh tế nông nghiệp; có lợi thế so sánh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là logistics…
Với nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng dân số trên 1,7 triệu người, thứ 16/63; người dân giàu lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, luôn khát vọng vươn lên, đoàn kết, tự lực, tự cường, nghĩa tình, trách nhiệm, đặc biệt luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá. Long An là một trong những địa phương đi đầu trong giai đoạn đầu đổi mới, nhất là về phân phối lưu thông, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHC).
Long An luôn quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2022 chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10/63, cải cách hành chính xếp thứ 8/63); chuyển đổi số xếp thứ 11/63 địa phương trên cả nước.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Long An thể hiện quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động sáng tạo, xác định rõ mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng, định hướng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững.