Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023
(VOVTV) - Sáng nay 5/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023. Cùng dự có các phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 4 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraina tuy đã có một số tín hiệu tích cực nhưng tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; Fed tăng lãi suất điều hành lần thứ 10 liên tiếp. Rủi ro tài chính gia tăng, nhất là sau sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ, Thụy Sỹ gần đây. GDP quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số quốc gia, nền kinh tế lớn ở mức thấp, trừ Trung Quốc . Sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn của ta giảm sút. Dịch COVID-19 còn phức tạp và hậu quả cần nhiều thời gian khắc phục. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường.
Ở trong nước, nhìn chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Chúng ta tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các vấn đề tồn đọng; vừa xử lý các vấn đề phát sinh; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới. Bên cạnh đó còn có sức ép từ thực tiễn đòi hỏi, như: những quy định chung, thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định mới từ các thị trường lớn về hàng hóa nhập khẩu với đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên phụ liệu cấu thành…
Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kiên định các mục tiêu; lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo đúng phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Qua đó, tình hình KTXH tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn tiếp tục phải đối mặt, trong đó, tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, tập trung hơn, phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trong phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận đi thẳng vào vấn đề, phát biểu ngắn gọn, rõ ý về tình hình phát triển KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác (về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG). Phải xác định rõ những việc nào làm tốt để tiếp tục phát huy và những việc chưa tốt để khắc phục ngay? Nguyên nhân là gì? Khó khăn, vướng mắc chính ở đâu? Bối cảnh, tình hình thời gian tới như thế nào, tác động tới Việt Nam ra sao? Các bộ, ngành đã chủ động làm gì và có đề xuất gì? Giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong thời gian tới? Đặc biệt, công tác chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương, Quốc hội sắp tới thế nào.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,84% so với cùng kỳ. Thu đủ chi, thu NSNN 4 tháng bằng 39,8% dự toán. Xuất đủ nhập, 4 tháng đầu năm xuất siêu 6,35 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo. An ninh năng lượng được bảo đảm. Cung cầu trên thị trường lao động tương đối hài hòa.
Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời; lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục cải thiện, 94,4% hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong tháng 4 không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi (nhất là trong các dịp lễ lớn vừa qua như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5…). Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại sôi động; thông tin truyền thông được tăng cường.
Tin nổi bật
Tin Video