Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024
(VOVTV) - Sáng nay 2/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 2, 2 tháng đầu năm, 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.
Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Thành viên Chính phủ đánh giá tình những điểm mới của tình hình tháng 2, chỉ ra những điểm khác biệt so tháng 1, tháng 2/2023, so 2 tháng cùng kỳ năm 2023. Thủ tướng đặt vấn đề xung đột trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Biển Đỏ, tác động logistics toàn cầu; một số cuộc chiến tranh vẫn diễn biến phức tạp. Ở trong nước, đặc điểm lớn nhất trong tháng 2 là chúng ta đã chăm lo cho nhân dân vui Xuân đón Tết an lành, tiết kiệm, nghĩa tình.
Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá về kinh tế vĩ mô, các vấn đề liên quan lạm phát, tăng trưởng, vấn đề vĩ mô khác, nhất là bảo đảm các cân đối lớn; đánh giá tình hình thị trường lao động sau Tết có gì đặc biệt; nêu điểm nhấn, nổi bật của tháng 2 và 2 tháng đầu năm có gì khác biệt so năm 2023? Đánh giá vấn đề liên quan an sinh xã hội, nhất là chăm lo Tết đã thực hiện như thế nào? Đánh giá vấn đề giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, liên quan biên giới, hải đảo, vấn đề liên quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vấn đề công tác xây dựng các tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền… Từ đó, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần dự báo tình hình tháng 3 này, các khó khăn, thuận lợi gì trong chỉ đạo, điều hành? Vừa qua, các Thành viên Chính phủ đi công tác các địa phương để tích cực giải quyết công việc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đây là kinh nghiệm quý cần phát huy thời gian tới; điều này cũng giúp địa phương cảm nhận được Chính phủ gần với địa phương, gần với cơ sở.
Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải làm gì để quý I gắn với thực hiện kế hoạch 6 tháng, 1 năm, 5 năm vì năm nay, chúng ta xác định là năm tăng tốc ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu, vì vậy phải xem xét cần bổ sung các địa phương gì? Thủ tướng lưu ý, chúng ta đang nỗ lực tiếp đón về các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang có định hướng vào Việt Nam làm ăn, do đó phải có biện pháp thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Đây chính là điểm nhấn trong tháng 3 này. Theo Thủ tướng nếu chúng ta làm không nhanh thì mất cơ hội, vì năm ngoái, Việt Nam đã thu hút hơn 36,6 tỷ USD, giải ngân 23,2 tỷ USD, là con số lớn trong tình hình hiện nay; 2 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI gần 5 tỷ USD, giải ngân vốn FDI gần 2 tỷ USD, là cao so hiện nay nhưng con số này còn dư địa lớn hơn. Do đó phải có biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa, trong đó, Việt Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, do đó có thể hút nhiều hơn các tập đoàn lớn về công nghệ vào hợp tác. Vừa qua, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã ký kết hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Thủ tướng cho biết, những ngày tới, nhiều tập đoàn công nghệ sẽ vào Việt Nam; Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đối tác thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dịp tốt để chúng ta phản ứng chính sách thật nhanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, tháng 3 này, chúng ta cần có giải pháp tập trung để tăng tốc, góp phần cho cả quý, nửa đầu năm 2024, cả năm 2024, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cả năm 2024 và cả giai đoạn 5 năm, vừa có tính chất trước mắt và cả lâu dài. Tuy nhiên, chúng ta không có nhiều nguồn lực mà phải chọn những việc có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan toả cao, có tính động lực. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành phải phối hợp Bộ Công an để hoàn thiện Đề án 06, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, hoàn thiện các cơ sở pháp lý; ban hành các Nghị định sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để sử dụng vốn thường xuyên cho chuẩn bị đầu tư; vốn tăng thu giảm chi của năm 2023 đã có, phải phân bổ phù hợp tập trung cho các lĩnh vực an ninh quốc phòng, đầu tư và an sinh xã hội. Thủ tướng lưu ý. đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; tiếp tục làm mới các động lực cũ như ưu tiên cho tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Với tinh thần khẩn trương, có trọng tâm, trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh phiên họp cần chỉ ra các bài học kinh nghiệm, các đột phá, động lực mới cho thời gian tới.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết, tình hình KTXH tháng2/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, mặc dù kết quả đạt được trên một số lĩnh vực không cao do là tháng Tết; tính chung 2 tháng hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân 2 tháng tăng 3,67% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,6%).
Cả 3 khu vực đều phát triển tốt, nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). (iii) Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.
Tổng kim ngạch XNK 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD. Thu NSNN 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912 nghìn tấn, kim ngạch 639 triệu USD, tăng lần lượt 74,8% và 96,6% so với cùng kỳ; bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực; Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân cả nước, mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết; không để ai không có Tết; Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh./.