Thể thao

Thủ tướng Anh dọa 'ném bom' Super League, siêu giải đấu sắp tan tành

Sức ép khủng khiếp từ dư luận và chính quyền khiến các CLB Anh phải nhượng bộ, không tiếp tục tham gia Super League.

21/04/2021 13:50

Rạng sáng nay (21/4), lần lượt 6 CLB Anh, gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Liverpool và Tottenham đã tuyên bố rời Super League, chỉ hai ngày sau khi ý tưởng thành lập giải đấu được tuyên bố trước toàn thế giới.

Theo Sky Sports, sức ép khủng khiếp từ dư luận, với những cuộc biểu tình của người hâm mộ, chỉ trích đến từ HLV, cựu cầu thủ, quan chức bóng đá,... khiến các CLB đổi ý. Trong bản thông cáo chính thức, ban điều hành Super League cũng thừa nhận các CLB Anh bị "ép buộc rời Super League bởi các áp lực từ bên ngoài".

Thủ tướng Anh dọa 'ném bom' Super League, siêu giải đấu sắp tan tành - Ảnh 1.

Thủ tướng Johnson phản đối kế hoạch Super League

Một trong những người gây sức ép mạnh nhất lên Super League là Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson. Lãnh đạo nước Anh hứa rằng chính phủ sẽ xem xét sử dụng "quả bom lập pháp" để ngăn các CLB Anh tham gia Super League. Sau tuyên bố của Johnson, các nỗ lực chính thức để ngăn cản kế hoạch này được đẩy mạnh.

Thủ tướng và thư ký thể thao văn hóa Oliver Dowden đã tổ chức cuộc họp với những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và ban tổ chức Ngoại hạng Anh, cùng với đại diện của các nhóm hâm mộ Liverpool, Man Utd và Tottenham - 3 trong số các CLB tham gia Super League.

Theo nhiều nguồn tin, Johnson đã khẳng định: "Chúng ta cần kích nổ quả bom lập pháp để ngăn chặn ngay lập tức". Các kế hoạch lập pháp cũng dễ dàng được quốc hội thông qua. "Nếu chính phủ quyết tâm làm điều gì đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Quốc hội không cấm hành động nếu cần hành động", lãnh đạo Đảng đối lập Kei Starmer nhấn mạnh.

Thủ tướng Johnson khẳng định ở cuộc họp trực tuyến rằng ông sẽ cung cấp "sự hỗ trợ vững chắc" cho các cơ quan quản lý bóng đá trong cuộc chiến chống lại Super League, trong đó không loại trừ khả năng cắt hỗ trợ cho các CLB trong các lĩnh vực, đơn cử như thị thực lao động cho các cầu thủ nước ngoài.

Người phát ngôn của ông Johnson từ chối đề cập đến các hành động cụ thể, nhưng khẳng định Thủ tướng Anh "cân nhắc và xem xét một số các khả năng".

Thủ tướng Anh dọa 'ném bom' Super League, siêu giải đấu sắp tan tành - Ảnh 2.

Giới chủ các CLB Anh bị người hâm mộ tẩy chay

Đảng Dân chủ Tự do, những người cũng cam kết hỗ trợ hành động để ngăn chặn Super League, đã đề xuất khả năng thông qua một đạo luật bắt buộc các CLB muốn tham gia một giải đấu mới cần nhận được sự chấp thuận của những CĐV sở hữu tấm vé cả mùa.

Ngoài ra, phát biểu trước các nghị sĩ hôm thứ Hai (19/4), ông Dowden cho biết hy vọng đầu tiên của chính phủ là các cơ quan quản lý bóng đá có thể ngăn 6 CLB Anh dự Super League. Chính quyền Anh không giấu diếm mục đích sử dụng tất cả biện pháp để ngăn Ngoại hạng Anh trở thành một phần của giải đấu này.

Nếu không ngăn chặn thành công, lựa chọn khác được đưa ra là chuyển vấn đề lên cơ quan quản lý cạnh tranh. Vấn đề được đưa ra là Super League không có tính cạnh tranh, với vị trí của nhóm CLB sáng lập là bất biến, và chỉ 5 trong số 20 đội tham gia được lựa chọn hàng năm dựa trên thành tích.

Pep Guardiola cũng lên án Super League trên khía cạnh này, khi ông nhấn mạnh "không thể tham gia giải đấu mà tính thắng, thua không được đặt lên hàng đầu".

Thủ tướng Anh dọa 'ném bom' Super League, siêu giải đấu sắp tan tành - Ảnh 3.

Guardiola cho rằng Super League thiếu công bằng

Bên cạnh chính quyền Anh, người hâm mộ và quan chức liên đoàn đã đặt 6 CLB Anh ở thế "trên đe, dưới búa". Liverpool thừa nhận lý do rời Super League là do lắng nghe "các bên liên quan chính, cả bên trong và bên ngoài", mặc dù chỉ có Arsenal thực sự xin lỗi vì hành vi mà nói chung bị nhiều người lên án.

Chủ tịch của Spurs, Daniel Levy, đã "lấy làm tiếc về sự lo lắng và khó chịu do Super League gây ra". 14 đội bóng Ngoại hạng Anh, cùng với số lượng người hâm mộ đông đảo, tạo ra làn sóng tẩy chay khủng khiếp trên mạng xã hội.

Ngoài ra, FA cũng có lập trường quan trọng khi cảnh báo bất kỳ CLB nào liên quan đến Super League sẽ bị cấm tham dự Ngoại hạng Anh và tất cả các giải đấu quốc nội. Tuyên bố này khiến các cầu thủ dao động.

Thủ tướng Anh dọa 'ném bom' Super League, siêu giải đấu sắp tan tành - Ảnh 4.

Cầu thủ Leeds mặc áo mang khẩu hiệu phản đối Super League

Đội trưởng Jordan Henderson của Liverpool phát biểu: "Chúng tôi không thích và cũng không muốn điều này xảy ra. Đây là vị trí tập thể của chúng tôi". Ngoài ra, Kenny Dalglish, một huyền thoại và giám đốc danh dự của Liverpool, cũng kêu gọi các chủ sở hữu CLB "làm điều đúng đắn".

Theo báo giới Italy, Inter Milan cũng chuẩn bị rời Super League. Giải đấu khẳng định sẽ "tạm hoãn và tái cấu trúc", nhưng với sự chùn chân của các đội bóng Anh, giấc mơ tạo dựng một sân chơi cạnh tranh với Champions League của chủ tịch Florentino Perez (Real Madrid) rất khó trở thành hiện thực.

Ý kiến của bạn