Tin tức

Thủ đoạn buôn lậu xì gà của cựu tiếp viên hàng không

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Sơn mua xì gà ở châu Âu rồi mang về nước tiêu thụ. Sau này, anh ta mua hàng lậu qua một số đầu nậu trong nước.

06/04/2021 16:48

Ngày 6/4, cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Hà Nội chia sẻ về chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu hơn 60 kg xì gà do Nguyễn Hải Sơn (cựu tiếp viên của hãng hàng không Bamboo Airways) cầm đầu.

"Nhóm của Sơn rất tinh vi. Đối phó với cơ quan chức năng, các bị can xé lẻ xì gà để vận chuyển với suy nghĩ nếu bị bắt cũng chỉ bị xử phạt hành chính", chỉ huy PC03 nói với Zing.

Gom hàng xì gà lậu

Dấu vết đường dây buôn bán xì gà nhập lậu của Nguyễn Hải Sơn bị trinh sát của Đội 7 PC03 phát hiện dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời điểm đó, kẻ mua người bán xì gà hoạt động nhộn nhịp. Cảnh sát đã lập chuyên án, thu thập chứng cứ và dựng chân dung kẻ cầm đầu.

Theo điều tra viên, pháp luật quy định nếu mua bán, vận chuyển, tàng trữ từ 30 kg thuốc lá xì gà trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Nắm được điều này, Sơn và nhóm phân phối hàng cấm đã chia nhỏ xì gà thành nhiều lô hàng, mỗi lô dưới mức xử lý hình sự để vận chuyển và cất giấu nhiều nơi.

Thủ đoạn buôn lậu xì gà của cựu tiếp viên hàng không - Ảnh 1.

Nguyễn Hải Sơn đã bị khởi tố về tội Buôn bán hàng cấm. Ảnh: H.D

Trước khi bị bắt, Sơn từng là tiếp viên hàng không trên một số chặng bay đến các nước ở châu Âu. Cơ quan điều tra xác định ban đầu, Sơn móc nối với các đầu nậu buôn xì gà ở nước ngoài để mua gom hàng rồi trực tiếp xách về Việt Nam.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các chuyến bay nước ngoài bị tạm dừng khai thác, Sơn kết nối với Nguyễn Thế Nam (ở TP Thủ Đức, TP.HCM, đang bỏ trốn) để nhập xì gà từ người này. Nam cũng là người thu mua gom hàng lậu từ nước ngoài gửi về.

Khi giao dịch, Sơn và Nam chia nhỏ số thuốc lá lậu để vận chuyển nhiều lần qua dịch vụ bưu điện nhằm tránh bị phát hiện. Để che giấu hàng lậu, nhóm buôn bán còn sử dụng dịch vụ ship qua ứng dụng xe ôm công nghệ.

Sau gần nửa năm kiên trì lần theo dấu vết, trinh sát Đội 7 tìm ra được những địa điểm mà Sơn dùng để cất giấu xì gà và vạch thủ đoạn người này mua bán hàng lậu.

Chiều 29/3, tại đường Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội, cảnh sát bắt quả tang Duy (tài xế xe ôm) vận chuyển gói xì gà do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Duy khai anh ta được Nguyễn Hải Sơn thuê ship hàng để giao cho khách.

Từ lời khai của tài xế, cảnh sát kinh tế bắt giữ Nguyễn Hải Sơn. Khám xét 4 địa điểm do anh ta sử dụng để cất giấu hàng lậu, cảnh sát thu giữ hơn 850 hộp xì gà với khoảng 9.500 điếu. Riêng tại căn hộ chung cư Sơn sống cùng bạn gái, cảnh sát thu hơn 3.500 điếu xì gà.

Chỉ bán cho người quen

Theo cảnh sát, Sơn sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đăng bán xì gà trên các nhóm mạng xã hội. Lời khai của cựu tiếp viên hàng không Bamboo Airways cho thấy anh ta chỉ liên lạc với khách quen hoặc chủ các đầu mối tiêu thụ.

"Nếu người lạ gọi hỏi mua xì gà, Sơn không bao giờ nghe máy", cán bộ PC03 nói và cho biết giới tiêu thụ xì gà của Sơn cũng có kênh kết nối riêng biệt với nhau.

Thủ đoạn buôn lậu xì gà của cựu tiếp viên hàng không - Ảnh 2.

Sơn khai anh ta thu lãi hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi hộp xì gà. Ảnh: N.H

Ngoài ra, Sơn còn tiêu thụ hàng cấm thông qua các đầu mối buôn hàng ngoại ở Hà Nội. Một trong số đó là Đức Anh (ở quận Hoàn Kiếm).

Theo cảnh sát, Đức Anh từng là đồng nghiệp của Sơn. Người này đã giúp Sơn tiêu thụ 10 hộp xì gà các loại với trị giá 40 triệu đồng. Đức Anh cũng bị cáo buộc giúp Sơn cất giấu hàng lậu.

Theo lời khai của Sơn, tùy chất lượng và thương hiệu của xì gà, anh ta sẽ bán hàng lậu với giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi hộp loại 10 điếu.

"Xì gà là mặt hàng xa xỉ phẩm. Tùy loại thuốc lá, Sơn hưởng lãi 300.000 đồng đến hàng triệu đồng mỗi hộp, qua đó thu lời ở mức siêu lợi nhuận", cán bộ PC03 thông tin thêm.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Hải Sơn đã chi khoảng 2 tỷ đồng để mua xì gà lậu từ Nguyễn Thế Nam. Ngoài ra, Lê Hải Sâm (chủ cửa hàng rượu ở Hà Nội) có 8 lần bán lô xì gà trị giá khoảng 800 triệu cho Sơn.

Chỉ huy PC03 cho biết theo quy định của pháp luật, sau khi tòa xét xử vụ án và bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ tang vật trong các vụ án buôn lậu.

Ngày 5/4, Phòng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Sơn về tội Buôn bán hàng cấm. Cơ quan điều tra đang truy bắt Nguyễn Thế Nam và làm việc với những người liên quan để mở rộng vụ án.

Theo Điều 190 Bộ luật hình sự, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt đến 9 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 

Ý kiến của bạn