Lăng kính

Thời đại ăn nhiều

Lúc mới đến Việt Nam, tôi sống trong một chung cư mini ở Hà Nội, vừa viết vừa uống nước ngọt, hút thuốc lá.

05/11/2020 12:53

Thời điểm đó tôi không có nhiều bạn. Sáng đi làm, tối về cố viết. Tôi phải ngồi hàng giờ mới có thể hoàn thành được một đoạn văn ngắn. Biết phải thay đổi môi trường, khi vào Sài Gòn, tôi tập bỏ thói quen xấu. Tôi muốn được cải thiện sự tập trung - "flow" - tiếng Việt nghĩa là "dòng chảy".

"Dòng chảy" là khái niệm của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, chỉ trạng thái tâm trí khi ta "nhúng ngập" trong dòng suy nghĩ xuyên suốt, tập trung năng lượng toàn vẹn và tận hưởng quá trình diễn ra hành động đó. Thỉnh thoảng khi đang viết bài trong một "dòng chảy", giật mình nhìn lên, đã hai ba tiếng trôi qua mà tôi không để ý. Nhưng nó không thường xuyên như tôi mong muốn. Tôi vẫn không thể điều khiển được bản thân, rất bực bội. 

Một trong các nguyên nhân khiến tôi bị mất tập trung là đồ ngọt. Tôi đã rất bất ngờ, vì tôi luôn nghĩ chúng giúp tôi tập trung. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đường có thể kích thích não, gây nghiện hơn ma tuý. Khi tổ tiên ta còn săn bắt hái lượm, rất khó để tìm được đồ ăn có đường. Còn bây giờ, đường bán đầy các cửa hàng, siêu thị, vỉa hè, quá thuận tiện.

Thời đại ăn nhiều - Ảnh 1.

Đường, đồ ngọt có thể kích thích não, gây nghiện hơn ma tuý

Tôi phải thú nhận rằng, vì năm nay mình 40 tuổi rồi, nên có lẽ khoảng thời gian được sống khoẻ mạnh bất khả chiến bại sắp hết hạn, nhưng ít ra, tôi đã rất vui trong thời gian trẻ ấy. Tôi chưa từng bị bệnh nặng, chưa ngủ qua đêm ở bệnh viện dù có gãy xương ngón chân một lần vì ngã ngựa. Tôi tập thể dục rất nhiều trong cả cuộc đời, ngoài việc gần đây chuyển chỗ mới không có nơi tập thể dục. Có điều tới giờ này, tôi vẫn rất khoẻ mạnh, hàng ngày thiền và tập hít thở, đặc biệt là không ăn sáng hay ăn trưa. Nghe có vẻ lạ đúng không? Tôi thực sự chỉ ăn một đến hai lần mỗi ngày. Điều đó tốt cho cái bụng của mình.

Các quảng cáo và nghiên cứu về sức khoẻ hay ăn uống hiện nay khó tin lắm, bởi các công ty thực phẩm, đồ uống thường rêu rao một phần của sự thật. Và thậm chí nhiều bác sĩ còn được trả tiền để làm cho người dân mua sản phẩm này mà không phải sản phẩm khác.

Tôi có người bạn, anh Dương rất ham tìm tòi thông tin dinh dưỡng. Gần đây anh chia sẻ với tôi rằng có rất nhiều thông tin sai lệch về sức khoẻ và còn nhiều điều chưa được khám phá. Ta có nhiều thói quen xấu vô tình đã lượm nhặt theo thời gian. Chẳng hạn như ăn ba bữa no hoặc ăn vặt quá nhiều một ngày, nạp quá nhiều đường, uống không đủ nước.

Một thời gian chúng ta được nghe quảng cáo lặp đi lặp lại rằng, cơ thể bạn chiếm 70% là nước, vì vậy hãy chắc chắn là bạn uống nhiều nước - loại nước đóng chai họ đang bán. Tuy nhiên, vấn đề là nó không hoàn toàn đúng, khoảng 70% cơ thể chúng ta là các loại chất lỏng. Chất lỏng và nước khác nhau. Và nó thậm chí còn không phải là cơ thể của chúng ta. Có tới 90% trong cơ thể ta là các vi sinh vật. Các tế bào vi khuẩn đông gấp 10 lần tế bào "người". Chúng ta là một "phố đi bộ".

Nếu để ý, bạn sẽ thấy điện thoại của bạn sẽ không thông báo "sạc pin" cho đến khi năng lượng dự trữ tụt xuống còn 20% - mức báo động đỏ. Vậy tại sao chúng ta lại cứ ăn liên tục mặc dù chúng ta còn đủ nhiên liệu dự trữ trong cơ thể? Khi dạ dày bạn hết đồ ăn để co bóp, một hormone tên là Ghrelin gửi tin nhắn đến bộ não, bảo mình "ăn đi". Ngồi làm việc một lúc, hormone lại gõ cửa: "hello? tôi muốn ăn", làm chúng ta đứng dậy đi kiếm đồ ăn.

Các nhà khoa học không biết chính xác điều gì làm chúng ta "no" khi ăn. Bản thân chúng ta không thể tự đo lường ngay được nếu chúng ta ăn quá nhiều. Nhưng hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy thiếu nếu không ăn đủ ba bữa như mọi người, chưa kể trà sữa, các loại nước ngọt. Và cứ thế, đa số chúng ta đều mang trong mình năng lượng dự trữ nhiều hơn cơ thể cần. Câu trả lời, dựa theo các nghiên cứu gần đây, chính là vì quần thể hàng tỷ vi khuẩn ruột đang kiểm soát những cơn thèm ăn của chúng ta. 

Khi ta cảm thấy "đói", nghĩa là vi khuẩn ruột bắn tín hiệu lên não, bảo muốn ta ăn nhiều hơn để nó có thể tiêu hoá nhiều hơn, tiếp tục tung hoành trong ruột. Chúng chiếm lĩnh các giác quan của ta và bảo ta ăn cái này, cái kia cho dù thực sự không cần tới. Chúng đang lập trình và quyết định hành vi của con người. Đối với một số người thừa cân, tất cả công việc họ cần làm là làm sao để có thể ăn thêm một loại đồ ăn nào đó, thứ mà vi khuẩn "thèm". Thật đáng sợ khi nghĩ rằng, các quyết định ăn gì hôm nay của bạn đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sinh vật khác.

Thời đại ăn nhiều - Ảnh 2.

Vi khuẩn "thèm" khiến ta luôn muốn ăn

Anh Dương cũng không ăn ba bữa một ngày. Anh bảo, về mặt sinh học, việc ăn ba bữa một ngày được tạo ra trong thời đại công nghiệp hoá, nó cần cho công nhân trong nhà máy, giúp họ được khen thưởng vì làm việc hiệu quả, hay người làm việc chân tay trên ruộng đồng, công trường. Hệ tiêu hóa của chúng ta cần được "tắt" trong một khoảng thời gian nhất định, không thể liên tục hoạt động mãi được. Tôi và anh Dương đang nhịn ăn gián đoạn - chỉ ăn trong vòng 8 tiếng và nhịn trong 16 tiếng tiếp theo. Đó là một cách cực kỳ dễ dàng để giữ sức khỏe và trọng lượng, cho bộ máy tiêu hoá của bạn được nghỉ ngơi.

Tôi đã sống một cuộc sống an toàn bằng mọi cách. Tôi đã ăn tất cả những gì tôi muốn, uống rất nhiều, tham chiến và đi khắp thế giới, khám giá rừng núi, làng mạc xa xôi. Tôi không tin rằng cuộc sống nên bị bó hẹp trong một chiếc hộp được khử trùng. Mặt khác, nó đã giúp tôi thu nhặt được rất nhiều kiến thức về cách sống lành mạnh, đồng thời có thể tự do. Tôi biết dạ dày của tôi, bởi cơ thể là một khu vườn, tôi cần phải nâng niu, chăm sóc khu vườn đúng cách. Sinh mệnh của tôi phụ thuộc vào nó.

Ý kiến của bạn