Kinh tế và Phát triển

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

(VOVTV) - Sau những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân huyện Thọ Xuân ngày càng được nâng lên đáng kể. Từ đó, chính quyền và nhân dân xác định "Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng", chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo các tiêu chí mới.

Tác giả Lê Thảo
24/07/2023 22:12

Huyện Thọ Xuân nằm về phía tây bắc thành phố Thanh Hóa với 30 xã, thị trấn với 274 thôn, khu phố. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có lịch sử văn hóa lâu đời, nhân dân cần cù và sáng tạo. Nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du miền núi, lại có sông Chu - con sông lớn thứ hai của tỉnh chảy qua từ đầu huyện đến cuối huyện, sân bay quân sự Sao Vàng, Cảng Hàng Không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 47, 47B, 47C đi qua, đường nối dài đi khu kinh tế Nghi Sơn. Thọ Xuân đã thực sự trở thành một vùng đất mở, rất thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu với tất cả các vùng miền trong và ngoài tỉnh.

photo-1690189991829

Sân bay Thọ Xuân – Sân là một trong những mũi nhọn kinh tế của huyện Thọ Xuân cũng là một trong những khu vực chiến lược của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2019, huyện Thọ Xuân được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Sau hơn 10 năm, phong trào đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có huyện Thọ Xuân đã đẩy nhanh tiến trình đầu tư xây dựng và về đích NTM, tiến tới NTM nâng cao. Tập trung kêu gọi đầu tư vào các Cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện Thọ Xuân đã tiếp tục duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được và xây dựng tiêu chí nâng cao, tiến tới đạt kiểu mẫu. Tính đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 12 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu và 22 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (dẫn đầu trong xây dựng xã NTM nâng cao và đứng thứ 2 về xây dựng sản phẩm OCOP).

photo-1690189993148

Lễ công bố quyết định xã Xuân Sinh đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để đạt được mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, Đảng bộ, Chính quyền huyện Thọ Xuân xác định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, nhân dân là chủ thể thực hiện và là người được hưởng lợi từ chương trình xây dựng xã NTM nâng cao, địa phương phải quan tâm công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân hưởng ứng. Lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các Chương trình, Dự án khác đang triển khai ở nông thôn và có cơ chế chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp công sức của nhân dân.

photo-1690189993817

Nhiều nhà xưởng đang mọc lên hàng ngày trên các trục giao thông từ thị trấn Thọ Xuân đi Lam Sơn - Sao Vàng

Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra và nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai, UBND huyện Thọ Xuân đã phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách theo từng tiêu chí xã đạt chuẩn, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để rà soát, xác định khối lượng cụ thể, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện theo hàng tháng, quý. Hàng quý giao ban, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí và việc thực hiện của các đơn vị, cá nhân phụ trách; Khen thưởng và phê bình kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các tổ chức, cá nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban chỉ đạo về kết quả thực hiện, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận cao để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

photo-1690189994632

Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Khánh.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Thọ Xuân chung sức xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao" và "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" xây dựng NTM gắn với xây dựng tiêu chí phường. Tuyên truyền vận động để mọi cán bộ và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung tư tưởng chỉ đạo, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện về xây dựng NTM, nhằm phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, từ đó tạo ra sự đồng thuận, tham gia đóng góp, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong suốt quá trình tổ chức, giám sát, thực hiện.

photo-1690189995290

Diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng được cải thiện, nâng cao mức sống nhờ chương trình xây dựng NTM.

Tập trung giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Hiện nay, huyện đã có những chính sách kêu gọi nhà đầu tư lớn vào Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, tổng diện tích là 1.758,64 ha, gồm 02 phân khu 8A và 8B theo quy hoạch trên địa bàn huyện. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhất là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản,… nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế vay vốn phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác. Khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển các vùng sản xuất có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Phát triển các loại cây trồng có giá trị theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện, các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong nhân dân. Đồng thời nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong thực hiện phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM. Bên cạnh đó luôn đề cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp; nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho chương trình, huyện Thọ Xuân tiếp tục xác định: Phát huy thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, làm tốt công thi đua khen thưởng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Trên cơ sở nguồn lực của Chương trình xây dựng NTM hàng năm từ ngân sách nhà nước, các địa phương cần bám sát quy hoạch, đề án, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, phát huy cho được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong việc tham gia xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả có nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống GTNT với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích, vận động nhân dân đóng góp nhân công, đất đai, vật liệu, tham gia giải phóng mặt bằng xây dựng đường GTNT; tiếp tục xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn để cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Tập trung tuyên truyền vận động người dân cải tạo vườn tạp, tự chỉnh trang nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hộ gia đình phù hợp với yêu cầu xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, đánh giá để củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng NTM bền vững.

Huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành huyện NTM nâng cao theo hướng phát triển toàn diện và bền vững; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ bản đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng cao, hướng đến xây dựng xã hội nông thôn yên bình, văn minh, giàu đẹp. Phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí phường; xây dựng huyện đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao gắn với tiêu chí huyện trở thành thị xã trước năm 2030, là việc làm hợp với ‘‘ý Đảng, lòng dân", là mong muốn chính đáng của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân Thọ Xuân anh hùng.

Ý kiến của bạn