Tin tức

Thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, vì sao chưa xử lý được triệt để?

(VOVTV) - Năm 2022, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập diễn ra trầm trọng trên diện rộng. Gần như suốt cả năm, Bộ Y tế và các bệnh viện phải loay hoay tìm cách giải quyết khiến trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu nêu câu hỏi: Có quốc gia nào khốn khổ trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế như ở nước ta không? Vì sao chưa xử lý triệt được để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế?

Tác giả Văn Hải / VOV1
03/01/2023 11:18

4 tháng trước đây, trong bối cảnh thiếu thuốc nghiêm trọng, các bệnh viện công lập và người bệnh vui mừng trước thông tin Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế công bố kết quả 3 gói thầu mua sắm thuốc đến năm 2023. Dù chậm 8 tháng so với kế hoạch nhưng 3 gói thầu tổng giá trị gần 6.300 tỉ đồng này đáp ứng được sự mong chờ, ngóng đợi của cả hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Vậy nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Việc đấu thầu đã xong, kết quả cũng đã được công bố nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra, khiến cả thầy thuốc và bệnh nhân đều ngơ ngác.

phat-thuoc-bhyt-9422.jpg

Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc “hậu đấu thầu” là do nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu, nhưng chưa có sẵn trong kho hoặc không đủ thuốc để cung ứng. Nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp phải chứng minh số thuốc tồn kho đủ để cung ứng khi trúng thầu. Nhưng 1 số loại thuốc chỉ bán được qua kênh đấu thầu, mà chưa biết có trúng hay không nên  không ai dám mua vì nếu mua trước mà trượt thầu thì biết bán cho ai? Hơn nữa, thời gian đấu thầu thường kéo dài từ 6-8 tháng nên khi đấu thầu xong, hạn dùng của thuốc còn ngắn, nếu trúng thầu cũng khó đáp ứng được yêu cầu về hạn dùng. Theo ông Lê Đình Thanh Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cũng chính vì vòng luẩn quẩn như vừa nêu mà thời gian qua, đơn vị đã phải thực hiện nhiều phiên đấu thầu lại.

Quy định về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế không rõ ràng, tùy theo cách vận dụng hoặc trong tình trạng nay đúng, mai sai đã khiến các bệnh viện tuyến trung ương, Sở Y tế tỉnh thành phố và bệnh viện tuyến dưới phải chật vật với các phiên đấu thầu trong 1 năm qua. Có những bệnh viện chào thầu công khai hàng tháng, nhưng không doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vì chuỗi cung ứng thuốc vẫn chưa “hồi phục” sau đại dịch Covid-19. Không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc để cung ứng hoặc lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp thờ ơ. Trong khi đó theo quy định hiện hành thì phải có 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau mới đảm bảo khách quan cho phiên đấu thầu. 

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) chia sẻ, trong tình trạng cấp bách, bệnh viện buộc phải tiến hành đấu thầu, dù không dám chắc việc thực hiện có bị sai luật hay không.

Nhìn nhận những bất cập trong hành lang pháp lý, ông Hoàng Cương, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, những vướng mắc hiện nay chủ yếu “nằm” ở các Nghị định của Chính phủ và những văn bản dưới luật do chính Bộ Y tế và các bộ liên quan ban hành.

Hiện Luật đấu thầu sửa đổi đang chờ được Quốc hội thông qua. Bộ Y tế đang tham gia Ban soạn thảo sửa đổi một số nghị định, thông tư nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong đó có việc sửa Nghị định 98 để có thể bỏ quy định giá mua phải thấp hơn giá trúng thầu trong 12 tháng trước đó do không phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng bên cạnh đó có những quy định đang rơi vào bế tắc khi thảo luận để sửa đổi, như quy định giá trúng thầu không được cao hơn giá kê khai, niêm yết. Hiện việc kê khai, niêm yết giá là trách nhiệm của doanh nghiệp, trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào quản lý. Cho dù có sửa đổi hành lang pháp lý thì đấu thầu cũng chỉ là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng. 

Rõ ràng những quy định về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã cho thấy những bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Dù cố gắng đưa ra những “hàng rào” để các cuộc đấu thầu diễn ra khách quan, nhưng nếu thuốc giá rẻ trúng thầu nhiều khi lại đáng lo ngại hơn là việc chỉ định thầu. 

Thay vì quy định các biện pháp phi thị trường trong hành lang pháp lý, cần tăng cường quản lý đầu vào, cắt được đường đi lòng vòng của thuốc để giá không bị đẩy lên cao. Theo các chuyên gia, chỉ khi nào thuốc, vật tư y tế được coi là mặt hàng đặc biệt với những quy định đặc thù thì mới có thể có những biện pháp phù hợp để kiểm soát giá, chất lượng, khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc phục vụ điều trị.

Ý kiến của bạn