Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới
(VOVTV) - Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã hoàn thiện các bước cuối cùng để chuẩn bị khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 tới.
Tuy vậy, tình trạng thiếu trường, lớp, trang thiết bị dạy học khi triển khai chương trình mới vẫn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở khu đô thị, khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 37.600 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, với tổng số hơn 606.000 phòng học. Tuy nhiên chỉ có hơn 571.000 phòng học được kiên cố hoá, đạt tỷ lệ 85% so với tổng số phòng học trên cả nước. Cấp học mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hoá thấp nhất, chỉ đạt hơn 79%. Tính theo từng vùng miền, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ phòng học kiên cố hoá thấp nhất. Bên cạnh đó còn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nêu thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, do thiếu cơ sở vật chất nên chỉ có 63% học sinh của tỉnh được học 2 buổi 1 ngày.
"Cà Mau hiện nay tỷ lệ lớp bán trú chỉ có 5%, có 63% học sinh được học 2 buổi/ngày, 120 cơ sở giáo dục mầm non phải mượn phòng học ở cấp tiểu học, 170 điểm trường rất nhỏ lẻ, cơ sở rất tạm bợ. Để đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần phải 200 phòng học thì cấp tiểu học mới đảm bảo dạy học 2 buổi/ ngày, ước tính kinh phí rất lớn"- ông Luân nói.
Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở 6 khối lớp (gồm lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học, lớp 6, lớp 7 bậc trung học cơ sở và lớp 10 bậc trung học phổ thông), nhưng tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng hơn 50%. Các trang thiết bị phục vụ dạy các môn tin học, ngoại ngữ còn hạn chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các địa phương cũng phần nào hưởng đến chất lượng và hiệu quả khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương trong việc đầu tư xây dựng trường, lớp học, trong thời gian tới, Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các bộ, ngành để khai thác được đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, để dành nguồn kinh phí phục vụ kiên cố hoá trường học và trang thiết bị dạy học cho các nhà trường./.