Xã hội

Thị trường việc làm khởi sắc dịp cận Tết

Càng gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên cần tuyển bổ sung lao động. Nhờ đó, thị trường việc làm khởi sắc dịp cận Tết, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

27/01/2021 10:48

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc chiến lược, Công ty cổ phần Dược liệu An Phúc Linh (quận Thanh Xuân) cho biết: “Dịp này, công ty có nhu cầu tuyển dụng ít nhất 10 lao động làm việc lâu dài cho vị trí kế toán, thủ kho, lễ tân. Thế nhưng, sau gần 10 ngày đăng thông tin tuyển dụng, chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần thiết”. Tương tự, dù đưa ra mức lương, thưởng hấp dẫn, nhưng sau nhiều ngày tổ chức tuyển dụng lao động qua các kênh thông tin, đến nay Công ty TNHH Phần mềm RIC (quận Bắc Từ Liêm) chưa tuyển đủ tối thiểu 7 nhân viên chuyên ngành công nghệ thông tin.

Thị trường việc làm khởi sắc dịp cận Tết - Ảnh 1.

Thị trường việc làm khởi sắc dịp cận Tết, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Võ Lê

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu tháng 1-2021 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2020. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.000 vị trí việc làm mới chờ người lao động. Điều đáng mừng, người sử dụng lao động tìm kiếm ứng viên có trình độ chuyên môn, tay nghề để làm việc lâu dài chiếm từ 60% đến 70%. Đó là điểm khác biệt của thị trường việc làm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 so với những năm trước.

Trên thị trường tự do, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng đáng kể. Ước tính, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời điểm gần Tết Nguyên đán Tân Sửu lên đến hàng vạn người. Đây là cơ hội tốt để người lao động tìm việc làm.

Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu

Thị trường việc làm dần khởi sắc, giúp người lao động dễ tiếp cận cơ hội việc làm. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc tháng 10-2020, tôi đi phỏng vấn ứng tuyển ở nhiều nơi để tìm việc làm mới. Đến giữa tháng 1-2021, cùng lúc tôi được 3 công ty gọi đi làm”.

Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu lao động thời gian này chủ yếu tập trung ở một số ngành nghề cần sử dụng nhiều lao động cho dịp Tết. Điểm khác biệt của thị trường năm nay là các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động vào làm việc lâu dài ở những ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, có kỹ năng làm việc.

Còn theo bà Đàm Minh Huệ, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Phần mềm RIC, để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao, tay nghề vững không chỉ tập trung vào thời điểm cận Tết, mà sẽ diễn ra trong thời gian dài. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng nghề cho người lao động.

Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động, các địa phương đã, đang khảo sát nhu cầu người tìm việc, việc cần tìm người để có phương án hỗ trợ phù hợp. Ông Đỗ An Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng cho biết, trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu về thị trường lao động, Phòng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, ngoài những giải pháp đã, đang triển khai, mới đây Sở phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam (http://esip.vieclamvietnam.gov.vn) đi vào hoạt động. Thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ số, người sử dụng lao động và người lao động có thể trao đổi thông tin tuyển dụng mọi nơi. Sở phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng các kịch bản phát triển thị trường lao động theo hướng năng động, ổn định.

Ý kiến của bạn