Kinh doanh

Thị trường sôi động, HOSE báo lãi kỷ lục

(VOVTV) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm bứt phá về thanh khoản, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán trong năm 2021. Hoạt động kinh doanh của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) theo đó cũng ghi nhận con số lãi trước thuế ở mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động, khi đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 267% so với năm trước đó.

18/05/2022 18:12

Theo báo cáo thường niên năm 2021 do HOSE vừa công bố cho thấy, trong năm 2021, tổng doanh thu của HOSE đạt trên 3.237 tỷ đồng, tăng 208% so với năm 2020 và đạt 187% so với kế hoạch năm 2021.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của HOSE, tương đương 92,23%, đạt hơn 2.985 tỷ đồng, tăng 228,8% so với năm 2020. Sự tăng trưởng của doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ năm nay được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của hoạt động giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng đạt trên 110,78 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,87% so với năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính năm 2021 chỉ ghi nhận đạt 51,37 tỷ đồng, giảm 12,58% so với năm 2020.

Thị trường sôi động, HOSE báo lãi kỷ lục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: KT

Tổng chi phí trong năm 2021 của HOSE là 701 tỷ đồng, tăng gần 95% so với năm 2020. Tuy nhiên, sự gia tăng này nhỏ hơn so với sự gia tăng về mặt doanh thu trong năm vừa qua. Trong đó, chi phí giám sát thị trường là chi phí có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của HOSE, chiếm 70,6%, tăng 241,7%, do có sự biến động tỉ lệ thuận với doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán.

Qua đó, HOSE lãi trước thuế 2.536 tỷ đồng, tăng 267% so với năm 2020, đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm hoạt động. Con số này cũng vượt xa kế hoạch lãi trước thuế 648 tỷ đồng công bố hồi đầu năm. HOSE nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 507 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước, cơ quan cấp trên 1.808 tỷ đồng.

Kết quả trên tương quan với diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2021. Mặc dù dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến toàn xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, song thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm bứt phá về thanh khoản, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Lần đầu tiên, theo thống kê của Liên đoàn các Sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index (+35,73%) tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng so với các nước trong khu vực (Singapore (+9,84%), Malaysia (-3,67%), Thái Lan (+14,37%), Indonesia (+10,07%)). Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020.

Đặc biệt, vào ngày 25/11/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.500,81 điểm, cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường. Thanh khoản thị trường đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2020. Đây cũng là năm có nhiều phiên giao dịch tỷ USD, một số phiên có giá trị gần 2 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán, tăng hơn 5 lần so với năm 2020. Dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, đa phần các doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2021 thể hiện sức chống chọi và phục hồi khá tốt.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán năm 2021 đặt ra nhiều thách thức đối với HOSE trong việc duy trì hoạt động liên tục và ổn định của thị trường. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HOSE đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để giải quyết tình trạng thanh khoản tăng cao và năng lực hệ thống hạn chế. Các giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, đưa thị trường chứng khoán đạt các đỉnh cao về thanh khoản nửa cuối năm 2021.

Trong năm 2022, HOSE cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các giai đoạn còn lại của dự án Công nghệ thông tin (KRX) sớm đi vào vận hành. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển thị trường chứng khoán cơ sở, gia tăng quy mô, tính thanh khoản của thị trường đi đôi với việc tăng cường giám sát, nâng cao tính minh bạch trên thị trường…

Ý kiến của bạn