Thị trường ô tô Việt Nam bước vào cuộc đua nước rút cuối năm
Thị trường ô tô bước sang tháng 11 không biến động lớn về chính sách giá, nhưng các hãng xe tranh thủ đẩy mạnh ưu đãi và tổ chức hàng loạt sự kiện lái thử, nhằm có được doanh số tối đa trong thời gian còn lại của năm 2020.
Xu hướng dễ thấy là dù giá niêm yết không đổi, nhưng số tiền người mua bỏ ra giảm đáng kể nhờ thủ thuật trừ thẳng giá trị ưu đãi vào giá xe. Điển hình là VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0, từ ngày 1/11, khách mua xe được trừ trực tiếp khoản hỗ trợ lệ phí trước bạ và quà tri ân (80 triệu đồng dành cho Lux A2.0 và 120 triệu đồng cho Lux SA2.0).
Như vậy, nếu mua xe Lux SA 2.0 bản cao cấp (giá 1,697 tỷ đồng), người tiêu dùng chỉ phải trả 1,528 tỷ đồng (nếu thanh toán 100% giá trị xe khi mua). Tương tự, giá Fadil chỉ còn từ 360 triệu đồng.
Với hình thức tặng một phần phí trước bạ bằng tiền mặt, Ford "giảm giá" cho Tourneo tới 60 triệu đồng và Ecosport tới 25 triệu đồng. Trong khi đó, Mitsubishi không giảm giá xe, nhưng cũng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ còn lại cho khách hàng, đồng thời tặng kèm một số phụ kiện giá trị nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Outlander trước hai đối thủ mạnh là Honda CR-V và Toyota Corolla Cross.
Những xe có điều chỉnh giảm giá lúc này chủ yếu thuộc nhóm đời cũ, đơn cử như Nissan Terra 2019 giảm gần 80 triệu đồng hay Navara 2019 giảm 50 triệu đồng. Một số đại lý ô tô Honda cũng đang giảm giá đến 130 triệu đồng cho chiếc sedan Accord 2019.
Thaco là gương mặt hiếm hoi điều chỉnh giá bán của xe đời mới, áp dụng với Mazda. Trong đó, nổi bật là giá bán hiện tại của phiên bản 2.0L Signature Luxury hiện chỉ ngang phiên bản 1.5L Premium trước đây.
Sang tháng 11 này, Subaru cũng giảm giá Forester i-L thêm 60 triệu đồng so với tháng 10, giúp giá khởi điểm của mẫu xe này chỉ còn 899 triệu đồng. Như vậy, so với giá bán công bố khi ra mắt, chiếc xe này đã giảm 230 triệu đồng.
Cùng với ưu đãi, nhiều nhà sản xuất mở rộng các hoạt động trải nghiệm để hút khách. Từ giữa tháng 10, Ford đã tổ chức chuỗi sự kiện lái thử Ford SUV Drive 2020 tại Hà Nội, và sẽ đến với thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 11 này, cùng một số tỉnh, thành khác. Tương tự, Subaru đã hoàn tất chương trình lái thử kéo dài gần một tháng ở nhiều địa phương vào ngày 1/11.
Những động thái nói trên nối dài nỗ lực đảm bảo sức bán của các hãng xe, nhằm có doanh số để bù những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Nỗ lực này có thuận lợi khi thị trường liên tục được bổ sung sản phẩm mới. Nối tiếp Corolla Cross, Yaris, Innova, Fortuner của Toyota trong tháng 10, MG có thêm biến thể HS 1.5T Trophy (888 triệu đồng) ngay những ngày đầu tháng 11.
Thời gian tới, Thaco sẽ đưa KIA Morning thế hệ mới về nước, trong khi Nissan dự kiến “trình làng” Kicks để cạnh tranh với KIA Seltos, Hyundai Kona. Nối dài danh sách xe sắp trình làng còn có Isuzu M-UX, Peugoet 2008, Ford Ranger 2021, cùng với Nissan X-Trail, Navara, Sunny thế hệ 2021…
Tuy nhiên, song song với thuận lợi là khó khăn. Thời hạn chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước chỉ còn hơn 1 tháng. Nếu không được gia hạn, xe sản xuất trong nước sẽ quay về mức phí trước bạ cũ. Thực tế “buồn” này không chỉ xảy ra với những xe sắp ra mắt, mà ngay từ lúc này, nhiều mẫu xe hút khách không thể giao kịp trong năm 2020 cũng mất quyền lợi.
Nỗ lực dồn sức cải thiện doanh số trước mắt của các hãng còn có động lực khác, đó là năm 2021 sẽ song hành với nhiều điều chỉnh lớn trên thị trường, trong đó phải kể tới việc xe nhập khẩu từ châu Âu bước vào lộ trình giảm thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô cũng có thay đổi, bởi Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành tháng 8-2020 đã giao Bộ Tài chính sửa đổi chính sách này nhằm khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Khi đó, những loại xe không được hưởng ưu đãi từ chính sách đương nhiên sẽ gặp khó trong việc duy trì sức cạnh tranh theo cách tương tự những gì đã xảy ra với chính sách giảm 50% phí trước bạ thời gian vừa qua.
Tin nổi bật
Tin Video