Thị trường lao động năm 2022 hứa hẹn nhiều gam màu sáng
(VOVTV) - Một nền kinh tế thích ứng linh hoạt sẽ là cơ hội để thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam nhanh chóng hồi phục, sớm đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nghiêm trọng thị trường lao động của nước ta, khiến tỷ lệ người có việc làm giảm sâu, số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên với giải pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhờ đó thị trường lao động cũng hoạt động nhộn nhịp trở lại, hứa hẹn nhiều tín hiệu phục hồi lạc quan, phát triển và chuyển biến tích cực trong năm 2022.
Thị trường lao động cơ bản đã phục hồi….
Theo như dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến khoảng cuối quý I, đầu quý II thị trường lao động mới cơ bản phục hồi. Tuy nhiên ngay trong 2 tháng cuối năm ngoái, đặc biệt là thời điểm cận Tết nguyên đán, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết đã có tới 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động hoạt động trở lại.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thị trường lao động sau Tết Nguyên đán, thông thường hằng năm, thường thiếu hụt khoảng 20% lực lượng lao động nhưng năm nay nguy cơ thiếu hụt này sẽ duy trì thấp hơn.
“Bởi lẽ, những người lao động khi đã quay về quê một thời gian, khi quay trở lại nơi mình công tác thì thông thường Tết ít khi về nhà”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải.
Ngoài ra, một khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm cũng cho thấy, dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thời điểm trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến người lao động buộc phải ngừng việc, nghỉ việc thế nhưng hiện nay Chính phủ thực hiện quan điểm chống dịch theo hướng linh hoạt, thích ứng mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp… do đó nhu cầu tăng lên, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trở lại.
“Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nhưng càng khó khăn người lao động và người sử dụng lao động càng quyết tâm nỗ lực nhiều hơn bởi vậy mà cú “sốc” của đại dịch đến thị trường lao động cũng dễ dàng vượt qua”, TS Lan Hương khẳng định.
Tin nổi bật
Tin Video