Tin tức

Thị trường chứng khoán năm 2021: Tăng trưởng về chất nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút được thêm dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán để đón đầu xu thế nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

11/04/2021 11:20

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2021 vẫn giữ được đà tăng trưởng song cũng tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường

Năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới trong đại dịch, nhà đầu tư khép lại một năm trong trạng thái “thăng hoa” khi giá trị danh mục đầu tư đã tăng trưởng đáng kể. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2020 đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ đạt 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2020 đạt 70% GDP). Tổng dư nợ trên toàn bộ thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 12 năm 2020 đạt khoảng 45% GDP, tăng 17,6% so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ TPCP là 27,7% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 15,1% GDP.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2021 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, như: nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19; việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh; Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, nội tại TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất; yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt.

Thị trường chứng khoán năm 2021: Tăng trưởng về chất nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro - Ảnh 1.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán 2021. Ảnh minh họa: KT

“Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019. Với việc Việt Nam vươn lên chiếm thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, với nền tảng kinh tế, chính trị ổn định, bên cạnh đó, kỳ vọng về tăng trưởng hồi phục mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ củng có thêm cho niềm tin về xu hướng tích cực.

“Trong làn sóng dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi (EM), Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại trong năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút được thêm dòng vốn ngoại vào thị trường để đón đầu xu thế nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi”, ông Nhữ Đình Hòa nhận định.

Rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những yếu tố tích cực, theo ông Nhữ Đình Hòa, TTCK Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra như: các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và Ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh.

“Thách thức đối với TTCK Việt Nam còn đến từ việc gia tăng quy mô thị trường để có thể hấp thụ được dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, khi kinh tế ổn định hơn, nhiều cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, kênh thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu ấm lên và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các lĩnh vực khác xuất hiện khiến dòng tiền sẽ chảy ngược từ TTCK sang các kênh đầu tư khác”, ông Nhữ Đình Hòa phân tích.

Ngoài ra, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa khá chậm. Ngoài yếu tố do TTCK biến động mạnh, còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.

“Vấn đề nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách, cần nhiều thời gian để tháo gỡ. Rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông (bất động sản; ngoại hối; tiền kỹ thuật số...) gây nên những cơn sốt ảo về bất động sản cũng như về chứng khoán và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn TTCK còn có những trở ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường”, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chỉ rõ.

Thị trường chứng khoán năm 2021: Tăng trưởng về chất nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, tiềm năng tăng trưởng của TTCK vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và TTCK; hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK.

Ngoài ra, TS. Lực cũng khuyến nghị việc chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK (đặc biệt đầu tư cá nhân); tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân…

“Trong bối cảnh kinh tế số, tài chính số phát triển ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về thể chế, công nghệ, nguồn nhân lực, mức độ chuyên nghiệp, minh bạch, khả năng chống chịu, ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Có như vậy, TTCK Việt Nam mới có thể phát triển nhanh, bền vững hơn về cả qui mô, thanh khoản, chất lượng và trở thành kênh huy động vốn, đầu tư quan trọng của nền kinh tế, bắt nhịp xu hướng tài chính số, tài chính xanh và chứng khoán xanh của khu vực và thế giới”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Ý kiến của bạn