Tin tức

Thị trường chứng khoán 6 tháng: Những con số kỷ lục

(VOVTV) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có bước tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục lịch sử về điểm số, thanh khoản, số tài khoản mở mới... Trong nửa đầu năm cũng ghi nhận hệ thống giao dịch liên tục nghẽn lệnh gây không ít bất tiện cho nhà đầu tư và khó khăn cho nhà điều hành thị trường chứng khoán.

Tác giả VOVTV / TTXVN
01/07/2021 09:30

Liên tiếp lập đỉnh

Con số kỷ lục đầu tiên có thể kể đến là điểm số. Theo đó, chỉ số VN - Index liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử đã lập trước đó và trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.

vn index.png

Ngày 28/6/2021, VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, thiết lập kỷ lục mới. Ảnh: VOV.VN

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi kể từ đầu năm cho đến cuối tháng 5. Chỉ số VN - Index đã tăng 15,8% và trở thành chỉ số có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu khi mức tăng trưởng này ở thị trường Mỹ và châu Âu là 11%, thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ đạt 3,2%, thậm chí chứng khoán khu vực Đông Nam Á giảm 2,9%.

VN - Index tăng 14,9% trong năm 2020, nhưng chỉ từ đầu năm 2021 đến ngày 30/6/2021, chỉ số này đạt 1.408,55 điểm, tăng gần 26% và tăng mạnh gần 113% so với thời điểm cuối tháng 3/2020 (thời điểm vùng đáy của thị trường).

Thị trường tăng mạnh là do có sự hỗ trợ từ thanh khoản. Theo đó, thanh khoản thị trường cũng liên tục lập kỷ lục và những phiên giao dịch 25.000 tỷ đồng, thậm chí là trên 30.000 tỷ đồng không còn là điều bất ngờ đối với nhà đầu tư.

Thanh khoản đã tăng từ mức 16.725 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên mức 25.037 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 5, nhờ lượng tài khoản mở mới liên tục duy trì bình quân trên 100.000 tài khoản/tháng trong 3 tháng liên tiếp.

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục tăng rất mạnh với giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường không ngường nghỉ, khiến chứng khoán ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia.

Thực tế, xu hướng tăng thanh khoản tiếp tục được dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản mở mới và tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng liên tục xác lập kỷ lục lịch sử.

Theo công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, kỷ lục lịch sử về số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021, đạt 113.191 tài khoản. Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận thuộc về tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản.

Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước; trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có tới 500.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở. Đây là con số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới cao kỷ lục của thị trường chứng khoán và cao hơn 27,3% so với cả năm 2020. Cụ thể, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước năm 2020 đạt 392.527 tài khoản.

Thanh khoản gia tăng, số lượng lệnh giao dịch cũng tăng cao dẫn đến tình trạng liên tiếp nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), do hệ thống công nghệ thông tin không đáp ứng được. Thậm chí, HOSE đã phải đóng cửa giao dịch trong phiên chiều ngày 1/6, để đảm bảo an toàn hệ thống.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng từng tâm sự: “Hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều rất đáng tiếc, nhất là trong thời điểm thị trường đang phát triển rất mạnh. Gần 1/4 thế kỷ tham gia gây dựng thị trường, cơ quan quản lý chỉ mong muốn được như ngày hôm nay, thị trường phát triển về quy mô, giao dịch, huy động vốn…, nhưng sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta rất phiền toái ở trong niềm vui chung đó.”

Trước tình trạng nghẽn lệnh kéo dài trên sàn HOSE, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp xử lý nghẽn lệnh như nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu, chuyển bớt cổ phiếu giao dịch trên HOSE sang HNX, hợp tác với FPT để xử lý nghẽn lệnh…

Chia sẻ về tiến độ xử lý nghẽn lệnh, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, những nỗ lực của Công ty cổ phần FPT và HOSE đã mang đến kết quả tích cực. Hiện nay, đã vào đến bước cuối cùng để báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính việc giải quyết triệt để vấn đề nghẽn lệnh đã kéo dài trong 6 tháng qua.

Theo Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), ông Dương Dũng Triều, từ tháng 7/2021, hệ thống mới cho HOSE sẽ sẵn sàng chờ lệnh vận hành từ Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, ông rất hy vọng có thể đưa hệ thống KRX do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc thiết kế đi vào hoạt động trong cuối năm nay. Từ đó, giải quyết triệt để vấn đề hệ thống, tạo tiền để phát triển thị trường chứng khoán nhanh và bền vững hơn.

Quay trở lại với diễn biến thị trường tăng mạnh khiến nhu cầu đầu tư rất lớn. Lượng margin (dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ) cũng đạt mức kỷ lục khi các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn và tìm nguồn để cung cấp cho thị trường chứng khoán.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, lượng margin từ đầu năm đến giữa tháng 6 đã tăng khoảng hơn 30% so với cuối năm 2020. Tổng margin toàn thị trường khoảng từ 110.000 - 115.000 tỷ đồng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Ông Ngọc cho rằng, với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay và năng lực huy động vốn của các công ty chứng khoán, margin của công ty chứng khoán trong 6 tháng cuối năm có thể còn cao hơn nữa.

Động lực cho tăng trưởng

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm sôi động và là một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới là nhờ kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hồi phục sau dịch khá ấn tượng so với mặt bằng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ở mức thấp khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, ngoại tệ... vào kênh chứng khoán.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết vẫn thể hiện sự tích cực. Tổng lợi nhuận quý I/2021 của các công ty niêm yết tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển sang các kênh tài sản có giá trị sinh lời cao hơn; trong đó có kênh đầu tư chứng khoán.

Dưới góc nhìn của Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, bà Bình nhận định.

Theo bà Bình, thị trường chứng khoán trong mỗi giai đoạn đều có cơ hội và thách thức riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cơ hội vẫn thắng thế so với thách thức vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ; trong đó có độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Thực tế, thời gian qua, thị trường tăng trưởng mạnh giúp nhiều nhà đầu tư kiếm lời từ chứng khoán. Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, có hơn 70% các mã cổ phiếu trên HOSE đạt mức lợi nhuận lớn hơn mức tăng của VN - Index.

Điều này cho thấy lợi nhuận đến từ cổ phiếu của các ngành khác nhau. “Đây là thời kỳ rất tốt đối với thị trường chứng khoán. Hiệu suất đầu tư chứng khoán tương đối cao”, ông Nam nói.

Dù vậy ông Nam cho rằng, hiện tại nhà đầu tư khá kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II/2021. Khi kết quả kinh doanh quý II/2021 được công bố không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Xu hướng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản. Lợi nhuận của các nhóm ngành này sẽ có tác động lớn đến thị trường trong thời gian tới.

Ông Nam dự báo những nhóm ngành này có tốc độ phát triển tương đối tích cực, nhưng sẽ chậm lại so với quý I/2021 và mức độ phân hóa của các nhóm cổ phiếu này cũng sẽ cao hơn.

“Trong 6 tháng cuối năm, tôi nghĩ thị trường sẽ tương đối tích cực. Tuy vậy, sẽ diễn ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhiều hơn”, vị chuyên gia nói.

Về dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ (margin), ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, margin như con dao hai lưỡi. Với quy mô thị trường như ở Việt Nam hiện nay, các công ty chứng khoán phải hết sức cẩn trọng vì hiện tại margin hiện đã tương đối nhiều. Trong 6 tháng tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm tra các công ty chứng khoán để đảm bảo các công ty chứng khoán cung cấp đúng dịch vụ theo quy định của pháp luật, để bảo vệ cho chính công ty chứng khoán và nhà đầu tư cũng như cho toàn bộ thị trường. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về tất cả dịch vụ liên quan.

Ý kiến của bạn