Thị trường bất động sản 'hứa hẹn' từ những tín hiệu tích cực
(VOVTV) - Dịch COVID-19 vẫn đang kéo dài và gây tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) ngay từ đầu năm 2022. Vậy kịch bản nào cho thị trường BĐS?
Thị trường phục hồi từ những "vệ tinh"
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại khu vực phía Bắc, một số thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi sau những tác động mạnh của đại dịch COVID-19 lần thứ 4. Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung BĐS nhà ở vẫn khan hiếm do tốc độ phê duyệt dự án chậm. 80% các sản phẩm chào bán là hàng tồn kho từ các năm trước. Giá căn hộ chung cư ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi giá nhà đất tăng mạnh từ 20-30%.
Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là 3 địa phương có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất trong phân khúc BĐS nhà ở khi nhà đầu tư tìm kiếm nguồn cung thay thế Hà Nội-thị trường vốn đã bắt đầu khan hiếm. Bắc Giang là tỉnh chứng kiến tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ với sự phát triển mạnh của phân khúc BĐS công nghiệp.
Trong khi đó, Quảng Ninh và Hải Phòng được dự báo sẽ sôi nổi thời gian tới khi những công trình giao thông huyết mạch đã hoặc đang đưa vào khai thác. Đáng chú ý, tại Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn thông tuyến đường cao tốc kết nối tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh được kỳ vọng trở thành "điểm sáng" thị trường thời gian tới...
Tại phía Nam, phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự đang chứng kiến mức sụt giảm cả cung và cầu. Khu Đông dẫn dắt nguồn cung căn hộ, nhà phố, biệt thự trong khi các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 (cũ) dẫn dắt nguồn cung phân khúc đất nền. Tuy nguồn cung đều cao hơn nhu cầu, mức giá được ghi nhận đều tăng so với năm 2021 ở tất cả các phân khúc.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2022. Ngoài ra, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai... tiếp tục giữ vị thế là những thị trường vệ tinh phát triển mạnh của TP Hồ Chí Minh. Nhiều phân khúc, loại hình ở các thị trường vệ tinh này đều ghi nhận sự tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, nguồn cung các phân khúc BĐS mới trong 2022 sẽ tăng so với 2021. Tăng trưởng chung cả thị trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách. Phân khúc cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn, tương ứng là giá khu vực này sẽ tiếp tục tăng.
Ngoài ra, giá căn hộ bình dân, trung cấp sẽ tăng chậm hơn, để duy trì lượng hấp thụ. Việc kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa lại du lịch của cả nước cũng là tiền đề để BĐS nghỉ dưỡng và BĐS du lịch phục hồi.
Kịch bản thị trường BĐS năm 2022
Hội Môi giới BĐS Việt Nam đưa ra phân tích thị trường BĐS năm 2022 cho thấy, những yếu tố lợi thế của BĐS Việt Nam vẫn đang giữ nguyên trong dài hạn từ tốc độ đô thị hóa, dân số tăng, kinh tế phát triển, hạ tầng liên tục được đẩy mạnh.
Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của dòng tiền đầu tư thế giới năm 2022 khi các thị trường xung quanh nóng lên. Thêm vào đó, gói kích thích nền kinh tế đang trông đợi được tung ra cùng với chính sách tín dụng có điều chỉnh, các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường… được tập trung, hứa hẹn năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Còn theo phân tích của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ có 3 kịch bản cho thị trường BĐS năm 2022. Kịch bản tích cực là thị trường BĐS giai đoạn 2022-2025 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, với điều kiện dịch COVID-19 được kiềm chế, mũi tiêm thứ ba được triển khai chủ động; kinh tế mở cửa trở lại; các cơ chế chính sách cần thiết đang được chờ đợi (condotel-officetel); việc sử dụng đất hành lang công trình hạ tầng đưa vào đấu giá xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện cho lĩnh vực đất đai, BĐS phát triển. Đây là kịch bản được mong đợi, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Kịch bản tiêu cực là thị trường BĐS sẽ có những diễn biến khó khăn, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế diễn biến không như mong muốn; các chính sách về đất đai, BĐS không có chuyển biến tích cực; kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế vĩ mô khó khăn. Đây là kịch bản không mong muốn, xác suất xảy ra thấp.
Kịch bản trung tính nằm giữa kịch bản tích cực và tiêu cực, trong đó yếu tố bất định về dịch COVID-19 trong năm 2022 được coi là ít có tác động đến thị trường BĐS. Vì vậy, với doanh nghiệp kinh doanh phát triển BĐS, việc tạo lập quỹ đất là vấn đề then chốt trong năm 2022 dù đứng trước kịch bản nào.
Tin nổi bật
Tin Video