Kinh doanh

Thị trường bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ quy hoạch

(VOVTV) - Sức hút của thị trường bất động sản Bình Dương đến từ loạt ưu điểm về hạ tầng, nhiều khu công nghiệp, giá rẻ, tiềm năng phát triển cao, quy hoạch bài bản của địa phương.

Tác giả Ngọc Đại – Hoàng Lân / VOVTV
10/05/2022 09:28

Bình Dương "bỏ túi " thêm 2 khu công nghiệp quy mô khủng

Theo đó, tỉnh sẽ khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 (VSIP III) tại xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) với tổng diện tích khoảng 1.000 ha.

Khu công nghiệp VSIP III được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016 với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng, gần đây dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét điều chỉnh quy mô triển khai từng giai đoạn cho phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư đầu tư, kết nối hạ tầng... Nếu giai đoạn 1 đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%, dự án có thể cho thuê và giao UBND tỉnh xem xét giao đất, cho thuê với giai đoạn 2. Khi khu công nghiệp VSIP III đi vào hoạt động, tỉnh dự kiến ưu tiên thu hút ngành nghề công nghệ cao.

Thị trường bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ quy hoạch - Ảnh 1.

Bình Dương là "thủ phủ công nghiệp" của miền Nam nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn

Bên cạnh đó, dự kiến trong quý II, Khu công nghiệp Cây Trường (tại xã Cây Trường II huyện Bàu Bàng) với diện tích khoảng 1.000 ha cũng sẽ được tỉnh khởi công.  

Trong năm 2022, tỉnh hướng tới cập nhật quy hoạch một số khu công nghiệp khác để mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên; Khu công nghiệp Rạch Bắp và một số khu công nghiệp khác trên cơ sở quỹ đất sạch, có sẵn. Từ cuối năm 2021, các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương đều bước vào giai đoạn đạt tỷ lệ lấp đầy cao, nguồn cung hiện hữu không kịp đáp ứng nhu cầu thuê đất, nhà xưởng ngày càng lớn.

Bình Dương hiện có 48 khu, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 88%. Mỗi năm các KCN này đón khoảng 50.000 lao động nhập cư, trong đó có khoảng 30.000 chuyên viên, lao động kỹ thuật cao.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương liên tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh Bình Dương đã thu hút được 22.950 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, 2,341 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ước thu mới ngân sách của tỉnh trong tháng 4 đạt 5.600 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 23.400 tỷ đồng...

Đầu tư khủng vào hạ tầng giao thông

Song song với việc đầu tư vào các KCN, tỉnh Bình Dương còn đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng kĩ thuật hạ tầng, tuyến đường giao thông trọng điểm. Với vốn đầu tư khủng nhất từ trước đến nay, những dự án giao thông như đường Vành đai 3 – TP.HCM, đường Vành đai 4 – TP Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, dự án nâng cấp Quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương… sẽ tạo "cú hích" về giao thông tạo tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội cho Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Thị trường bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ quy hoạch - Ảnh 2.

Các dự án giao thông trọng điểm được triển khai nhằm tạo lực đẩy phát triển đô thị Bình Dương

Cụ thể, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 92km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 25,92km; đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn chưa đầu tư dài 10,62km. Tổng mức đầu tư tuyến Vành đai 3 đi qua Bình Dương 19.280 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư công và TPHCM được Thủ tướng giao làm đầu mối.

Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64km với quy mô từ 4 đến 10 làn xe nhằm từng bước hoàn thành, tạo cung kết nối Đông – Tây của tỉnh.

Hiện nay, Bình Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư 22,1km còn lại của đường Vành đai 4 bằng nguồn vốn hỗn hợp (thực hiện giải phóng mặt bằng và kêu gọi xã hội hóa chi phí xây dựng, các doanh nghiệp hạch toán chi phí xây dựng vào chi phí đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo đường Vành đai 4). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.697 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đối với dự án mở rộng Quốc lộ 13 thì mở rộng thêm 2 làn xe bên phải tuyến đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m cho đoạn từ ranh giới TP.HCM đến giáp thành phố Thủ Dầu Một dài 12,64km và tiếp tục thực hiện theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng.

Tiếp đến là dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn và dự án sửa chữa tuyến đường này với tổng mức đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng...

Nhận định chung về thị trường, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam nhấn mạnh, với nguồn cung căn hộ tăng nhanh, Bình Dương đang bổ sung nguồn cung cho thị trường TP Hồ Chí Minh suy giảm mạnh. Sức hút của thị trường này còn đến từ tỷ lệ tiêu thụ tích cực. Theo khảo sát của DKRA, khi đưa ra đợt bán hàng mới, tỷ lệ tiêu thụ các dự án đạt trung bình 80-90%, thậm chí có đơn vị nhanh chóng bán hết giỏ hàng chỉ trong thời gian ngắn.

Thị trường bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ quy hoạch - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam nhận định về thị trường

Quan sát diễn biến thị trường phía Nam thời gian qua, TS Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong khi nguồn cung và sức mua toàn thị trường thấp do ảnh hưởng Covid-19, việc Bình Dương gia tăng đột biến cả về số lượng, giá cả không có gì bất thường. Xu hướng dịch chuyển đầu tư về những khu vực giàu tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp cũng biến "thủ phủ FDI" thành điểm đến hàng đầu.

"Trong bối cảnh các phân khúc khác gặp khó khăn thì thị trường nhà ở và bất động sản công nghiệp đều là thế mạnh của Bình Dương. Nơi đây trở thành thị trường mới nổi, cơ hội nhiều là quy luật tự nhiên", ông Hoàng nhấn mạnh.

Bình Dương - "thủ phủ công nghiệp" đã và đang làm rất tốt điều này khi sự có mặt của các KCN trư đã giúp cho bất động sản "lên như diều gặp gió". Giao thương thuận lợi, các khu công nghiệp nổi lên, giúp kinh tế phát triển, thu hút đông lao động và chuyên gia, làm tăng nhu cầu về nhà ở và sử dụng dịch vụ. Các nhà đầu tư bất động sản đang tăng tốc xây dựng phát triển hàng loạt các dự án nhà ở trên "miền đất hứa" Bình Dương.

Ý kiến của bạn