Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản
Hiện nay, khách hàng tới Aeon Mall đã tăng trở lại, đạt trên 90% so với năm 2019. Doanh nghiệp Nhật Bản này đánh giá tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển và đặc biệt hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản với những kế hoạch đầu tư tỷ đô trong tương lai gần.
Theo báo cáo kinh tế-xã hội từ Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Trong tháng Mười, hoạt động thương mại trong nước duy trì xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng Chín và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 450.800 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 10 tháng của năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa là 4,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam đánh giá lạc quan về xu hướng kinh doanh tại Việt Nam và cho biết sang năm 2021, công ty này sẽ tiến hành khảo sát đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng trung tâm thương mại Aeon Mall thứ 3 tại đây.
“Nằm trong chiến lược này, Aeon Mall Việt Nam đã triển khai thành công trung tâm thương mại Aeon Mall đầu tiên tại Hải Phòng và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 14/12,” vị này cho biết.
“Aeon Mall đã chuẩn bị nguồn vốn lên đến 2 tỷ USD để đầu tư và phấn đấu sẽ xuất khẩu 1 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật Bản và các nước khác,” ông Tetsuyuki nói.
Mới đây, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch khảo sát triển khai trung tâm thương mại Aeon Mall tại Hoàng Mai (Hà Nội) và trình dự án báo cáo Thủ tướng Việt Nam trong dịp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sang thăm chính thức Việt Nam.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 giúp ngành bán lẻ sớm hồi phục, ông Nakagawa Tetsuyuki nhận định: “Trong kinh doanh chuỗi trung tâm thương mại ở các nước châu Á thì Việt Nam là nước được khôi phục chuỗi sớm nhất. Trước đó, thời điểm từ ngày 21/3-24/4, Aeon Mall đã phải tạm dừng kinh doanh các gian hàng trong trung tâm thương mại tuy nhiên doanh nghiệp bị ảnh hưởng không quá lớn vì chúng tôi được hỗ trợ chính sách từ Chính phủ.”
Bên cạnh đó, báo cáo kinh doanh của Aeon Mall Việt Nam chỉ ra, kể từ khi các trung tâm thương mại được mở lại từ ngày 24/4 thì khách hàng tăng trở lại nhanh. Đáng nói, từ tháng Mười trở lại đây, sau đại dịch COVID-19 lần thứ 2-khách hàng tới Aeon Mall tăng khá nhiều, đạt trên hơn 90% so với năm 2019.
Sự xúc tiến mạnh mẽ của “ông lớn” Nhật Bản này phần nào minh chứng sức hút mạnh mẽ của thị trường bán lẻ tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Nhiều báo cáo cho thấy những chỉ số tích cực về thị trường bán lẻ Việt Nam
Triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được chỉ ra tại báo cáo mới nhất của Công ty NielsenViệt Nam khảo sát về ảnh hưởng của COVID-19 đến hành vi của người tiêu dùng toàn cầu trong quý 2/2020. Báo cáo cho biết 56/68 thị trường được thực hiện khảo sát có mức độ tự tin dưới 100 điểm. Điều này báo hiệu ngày cho thấy xu hướng người tiêu dùng trên toàn cầu thiên về bi quan.
Song, bất chấp sự sụt giảm niềm tin trên tất cả các thị trường, châu Á - Thái Bình Dương lại là khu vực phân cực rõ ràng với việc có nhiều người tiêu dùng lạc quan nhất cũng như bi quan nhất trên thế giới.
Cụ thể, Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng ở Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia vẫn trên 100 điểm song chỉ số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dưới 50, mức thấp nhất trên toàn cầu.
“Với mức 117 điểm trong quý này, Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia lạc quan nhất toàn cầu và vượt qua Philippines và Indonesia để trở thành quốc gia có số người tiêu dùng lạc quan nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ, với số điểm 123,” báo cáo của Nielsen chỉ ra.