Tin tức

Thêm ứng viên bị bắn chết, lo ngại ‘bóng đen’ bạo lực bao trùm bầu cử Mexico

Một ứng viên tranh cử chức thống đốc địa phương tại Mexico vừa qua đã bị bắn chết ngay trong lúc bà đang tổ chức vận động tranh cử.

27/05/2021 11:25

Theo kênh truyền hình RT, ứng viên Alma Barragán tại thành phố Moroleón (bang Guanajuato, miền Trung Mexico) đã bị bắn chết vào chiều 25/5 khi phát tờ rơi tuyên truyền. Truyền thông địa phương đưa tin một nhóm đối tượng có vũ trang đã tới nơi bà Alma tổ chức sự kiện và nổ súng. Hai người khác đã bị thương trong vụ việc.

Thêm ứng viên bị bắn chết, lo ngại ‘bóng đen’ bạo lực bao trùm bầu cử Mexico - Ảnh 1.

Ứng viên Alma Barragán bị bắn chết trong lúc vận động tranh cử. Ảnh: Getty Images

Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi ứng viên Alma phát sóng trực tiếp trên Facebook kêu gọi người dân tới địa điểm vận động. Bà Alma là ứng viên của đảng Phong trào Công dân (Movimiento Ciudadano). Trước đó, vào đầu tháng 5, một ứng viên khác của đảng này là Abel Murrieta cũng bị bắn chết khi đang phát tờ rơi vận động trên một con phố ở thành phố Cajeme, phía Tây Bắc Mexico.

Nữ ứng viên Alma là nạn nhân mới nhất trong làn sóng bạo lực nhắm vào giới chính trị do các băng đảng tại Mexico gây ra. Theo Integralia – một công ty cố vấn chính trị tại Mexico, tính từ thời điểm khởi động chiến dịch tranh cử vào tháng 9 năm ngoái, trên 80 nhà chính trị tại quốc gia này bị sát hại, phần lớn nạn nhân bị bắn chết. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, trên 50 quan chức đã đắc cử, các thành viên và ứng viên thuộc các đảng cũng đã bị giết hại. Con số này tăng 40% so với cuộc bầu cử năm 2018.

Trên 60 ứng viên thống đốc bang được cho là rút khỏi chiến dịch vận động trên khắp Mexico giữa làn sóng bạo lực đang gia tăng. Một ứng viên ở Valle de Bravo đã bị các thành viên của một băng đảng địa phương bắt cóc vào tuần trước. Nhóm bắt cóc đe dọa sẽ giết bà nếu bà không từ bỏ tranh cử. Kể từ đó đến nay, nữ ứng viên đó chưa một lần tổ chức vận động.

Khoảng 150 ứng viên đã được lực lượng an ninh chính phủ bảo vệ sau khi nhận những lời đe dọa. Các quan chức Mexico cho biết hầu hết các mối đe dọa xuất phát từ tội phạm có tổ chức.

Cuộc bầu cử vào ngày 6/6 tới sẽ bầu ra hạ viện mới, gồm 15 trong số 32 thống đốc bang và hàng nghìn thị trưởng, các nhà lập pháp địa phương trên khắp cả nước.

Đằng sau tình trạng gia tăng bạo lực đối với bầu cử Mexico là sự phát triển của các băng nhóm tội phạm có tổ chức tại quốc gia này. Trong những năm gần đây, các băng đảng ma túy đã mở rộng thêm các hoạt động tội phạm mới. Ngoài buôn lậu ma túy, các băng nhóm này còn buôn người di cư, bán xăng dầu tại chợ đen và tống tiền các cơ sở kinh doanh hợp pháp. Theo các tổ chức theo dõi và phân tích xu hướng tội phạm, khi đã nắm quyền kiểm soát chính quyền địa phương, các băng nhóm này cũng cắt giảm tiền thuế dành cho các công trình công cộng.

Thành công và lợi nhuận của các tổ chức tội phạm giờ đây phụ thuộc vào khả năng kiểm soát lãnh thổ và quyền lực tại địa phương. Điều đó có nghĩa là thông qua hình thức đe dọa và hối lộ, chúng bắt đầu điều khiển thị trưởng, cảnh sát trưởng và các quan chức hàng đầu khác. Những người không hợp tác thường sẽ bị sát hại.

Falko Ernst, nhà phân tích an ninh của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho hay: “Ngày càng nhiều nhóm tội phạm muốn kiểm soát quyền lực địa phương. Tình trạng siêu cạnh tranh đó đã khiến các quan chức chính phủ và các ứng cử viên gặp nguy hiểm hơn”. Chuyên gia Ernst tiết lộ một số ứng viên thậm chí còn thuê các băng đảng triệt tiêu đối thủ của mình.

Đối với Mexico, bạo lực bầu cử không còn là một vấn đề quá mới mẻ. Một ứng cử viên tổng thống đã bị sát hại vào năm 1994. Nhiều ứng cử viên đối lập đã bị giết trong quá trình chuyển đổi chế độ sang dân chủ vào cuối những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, làn sóng bạo lực dưới mọi hình thức vẫn có chiều hướng gia tăng trong 10 năm qua.

Năm 2020, tỷ lệ người bị sát hại ở Mexico là 27/100.000 người, cao hơn nhiều so với 5/100.000 của Mỹ. Đây cũng là mức tỷ lệ cao nhất ở Mexico kể từ đầu những năm 1960.

Chính phủ ước tính hiện có gần 200 nhóm tội phạm hoạt động ở Mexico. Tuy nhiên, các vụ phạm tội liên quan đến các băng nhóm này ít khi được xử lý triệt để. Theo Cục Thống kê Quốc gia Mexico, năm 2019, chỉ có 0,3% số vụ phạm tội mà công tố viên đưa ra cáo buộc và bị cáo phải ra hầu tòa.

Ý kiến của bạn