Thêm nhiều làn đường ưu tiên cho xe buýt, Hà Nội bỏ qua bài học BRT Kim Mã - Yên Nghĩa?
(VOVTV) - Từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt. Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến của dư luận, khi cho rằng, Hà Nội đã bỏ qua bài học thất bại từ buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
Mới đây, trả lời cử tri về kiến nghị xem xét hiệu quả của tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, từ những ưu điểm của tuyến BRT, thành phố sẽ đánh giá, nghiên cứu, đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe. Theo đó, từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt. Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến của dư luận, khi cho rằng, Hà Nội đã bỏ qua bài học thất bại từ buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa.
Ông Hồ Quang Trung, phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết: “Từ thực tế buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, tôi cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc, tính toán kỹ khi có chủ trương dành thêm nhiều tuyến với làn đường riêng cho xe buýt. Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa rõ ràng là một thất bại…”
Ông Trung cho rằng, sẽ là vội vàng, nếu Hà Nội không đánh giá một cách thấu đáo những bất cập, yếu kém của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
Dự án buýt nhanh BRT là một hợp phần trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2007, từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Sau 6 năm điều chỉnh, đến năm 2013 dự án buýt nhanh BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa), tổng mức đầu tư trên 1000 tỷ đồng chính thức khởi công và đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Kỳ vọng ban đầu là “cú hích” đối với vận tải hành khách công cộng, nhưng sau khi đi vào khai thác, buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn không “kéo” được hành khách, nhiều chuyến chỉ lác đác một vài người trên chiếc xe 90 chỗ. Dù được ưu tiên dành riêng một làn đường cùng các thiết bị hiện đại nhưng hiệu quả cuối cùng là công suất vận chuyển chưa lấp đầy cho thấy, sức hấp dẫn của buýt nhanh BRT không cao. Giao thông lộn xộn trên trục đường Tố Hữu, Lê Văn Lương thường xuyên biến buýt nhanh BRT thành “xe buýt chậm”.
TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá: "Xét về tiêu chí rất nhiều tiền để đầu tư cho tuyến BRT này, chúng ta phải ưu tiên cả 1 làn xe và trong giờ cao điểm tần suất của nó cũng không là cao thì tôi cho rằng chưa hiệu quả".
Theo chủ trương của thành phố Hà Nội, trong giai đoạn trước mắt, từ nay đến 2025 sẽ nghiên cứu tổ chức 9 làn ưu tiên cho xe buýt, đó là tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cổ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt. Giai đoạn 2026 - 2030 nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên.
Từ thực tế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, Hà Nội cần thận trọng khi muốn nhân rộng loại hình vận tải hành khách công cộng này. Bởi, đặc điểm đường phố của Hà Nội là hẹp, phương tiện cá nhân nhiều, tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố hiện nay đều theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Câu hỏi đặt ra là nếu làm đường dành riêng cho xe buýt thì các phương tiện khác đi như thế nào.
"Cơ quan tư vấn, quy hoạch phải nâng cao chất lượng lên, nghiên cứu chặt chẽ, để khi đưa xe buýt công cộng vào phù hợp với nhu cầu nhân dân, không làm tắc đường thêm, cho nên cần rút kinh nghiệm" - ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội phân tích.
Xin được nhắc lại rằng, liên quan đến các sai phạm cũng như hiệu quả của Dự án buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa tại Hà Nội, tháng 9/2018 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận nhấn mạnh, việc đầu tư của dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng.
Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông...