Thêm 2,5 triệu liều vaccine Moderna do Đức hỗ trợ về Việt Nam
Với lô vaccine gồm hơn 2,5 triệu liều này, được cung cấp thông qua cơ chế COVAX nước Đức khẳng định tình đoàn kết với Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, sáng 14/12 lô vaccine COVID-19 của Moderna gồm 2.558.000 liều đã về tới Hà Nội. Đợt vaccine này được cung cấp thông qua cơ chế COVAX.
Đợt vaccine này được thực hiện thông qua cơ chế vaccine quốc tế COVAX sau khi đã thống nhất chặt chẽ với UNICEF, WHO Vietnam và với chính phủ Việt Nam.
Trong năm nay Đức đã cung cấp vaccine và thiết bị y tế cho Việt Nam. Theo thông tin từ Đại sứ quán, Đức sẽ tiếp tục cung cấp nhiều hơn nữa vaccine cho Việt Nam, dự kiến lên đến khoảng 10 triệu liều.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho hay, trong năm nay Đức đã cung cấp vaccine và thiết bị y tế cho Việt Nam. Với lô vaccine lần này gồm hơn 2,5 triệu liều được cung cấp thông qua cơ chế COVAX nước Đức khẳng định tình đoàn kết với Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19.
“Diễn biến hiện nay cho thấy, còn rất lâu mới có thể chiến thắng được đại dịch. Đức sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế vaccine quốc tế COVAX. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được đại dịch, nếu đại dịch được kiểm soát ở khắp mọi nơi. Chính vì thế Đức và Liên minh châu Âu hỗ trợ chương trình tiêm chủng COVAX để có thể tiếp cận được vaccine phòng chống COVID-10 một cách công bằng và minh bạch trên khắp thế giới,” Đại sứ Guido Hildner nhấn mạnh.
Bà Rana Flowers - Quyền điều phối viên Liên hiệp quốc và đại diện UNICEF tại Việt Nam - khẳng định vaccine sẽ được phân phối một cách công bằng đến mỗi vùng miền của Việt Nam và của thế giới.
Với lô vaccine được Chính phủ Đức gửi tặng lần này, cho đến nay Việt Nam đã nhận được tổng cộng 45.197.910 liều vaccine phòng chống COVID-19 thông qua cơ chế COVAX.
Cơ chế COVAX được điều hành chung bởi Tổ chức Y tế thế giới WHO, Liên minh đổi mới sáng tạo chuẩn bị ứng phó dịch bệnh CEPI, Liên minh vaccine GAVI và UNICEF.
Năm 2020, Đức đã đồng sáng lập cơ chế điều phối Access to Covid-19 Tools Accelarator (ACT-A) để tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 và với 2,2 tỷ Euro là nhà tài trợ lớn thứ hai của cơ chế. Qua đó tính đến đầu tháng 12/2021 đã cung cấp được cho 144 nước và khu vực tổng cộng hơn 610 triệu liều vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và BioNTech.
Ngày 12/12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn hướng dẫn mới nhất về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nêu rõ trong trường hợp nguồn vaccine phòng COVID-19 hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca.
Nếu có trường hợp tiêm mũi 1 bằng vaccine do Astrazeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu mũi 1 tiêm vaccine do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng nêu trên, để sử dụng vaccine hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine do Moderna sản xuất, tiếp theo công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:
Những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.
Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do Astrazeneca sản xuất theo công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h ngày 14/12 cho thấy, cả nước đã tiêm trên 133,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Tính đến ngày 13/12, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 là 96% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 79% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93% và 71%; miền Trung là 93% và 77%; Tây Nguyên là 90% và 63%; miền Nam là 99% và 86%.
Có 42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Tin nổi bật
Tin Video