Thế khó của Tổng thống Mỹ Biden sau vụ khủng bố tại sân bay Kabul
Các cuộc tấn công khủng bố ở sân bay Kabul ngày 26/8 đã cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt trước hạn chót 31/8.
Đoạn cuối nguy hiểm và căng thẳng nhất trong cuộc chiến 20 năm
Cuộc chiến tranh dài nhất nước Mỹ đang kết thúc như cách thức mà nó bắt đầu khi những cuộc tấn công khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ truy lùng thủ phạm ở Afghanistan.
Vụ đánh bom ở sân bay Kabul ngày 26/8, do một nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có tên là IS-K thực hiện, diễn ra vào giai đoạn cuối của quá trình Mỹ sơ tán công dân khi 1.000 công dân Mỹ vẫn chưa thể rời Afghanistan và hàng nghìn người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ lo sợ bị Taliban hành quyết nếu họ bị bỏ lại.
Vụ đánh bom trên cũng cho thấy thực tế khó khăn trong quá trình ra quyết định của Tổng thống Biden và sự hỗn loạn của việc Mỹ rút quân khiến nhiều binh lính Mỹ và dân thường dễ bị tấn công trong những ngày đầy xáo trộn sau khi Taliban chiếm được Kabul.
Điều đáng báo động nhất là có thể sẽ còn có những cuộc tấn công tương tự trước hạn chót quân đội Mỹ rời Afghanistan ngày 31/8.
Tướng Kenneth "Frank" McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cảnh báo, những mối đe dọa mới từ IS-K, liên quan đến việc đánh bom liều chết hoặc nã rocket, có thể sắp xảy ra. Điều đó tức là một vài ngày tới sẽ là thời điểm căng thẳng và nguy hiểm nhất với quân đội Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến.
Vào thời điểm đối mặt với thảm kịch quốc gia này, Tổng thống Biden, người đã dành cả ngày trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ trả thù: "Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và khiến chúng phải trả giả".
"Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh tay và chính xác vào thời điểm và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn".
Tuyên bố trả thù của Tổng thống Biden gợi nhớ lại tuyên bố tương tự của cựu Tổng thống George W.Bush vài ngày sau cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất thế giới 11/9/2001. Điều đó đã phản ánh một thực tế rằng, các Tổng thống Mỹ có thể bị thách thức bởi chủ nghĩa khủng bố, một mối đe dọa bất cân xứng không thể đánh bại nước Mỹ nhưng lại có thể làm "tổn thương" nước Mỹ và đe dọa kéo nước này vào một cuộc xung đột không có hồi kết.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Biden
Bài phát biểu của Tổng thống Biden ngày 26/8 đã bị đặt câu hỏi bởi một số mâu thuẫn.
Đầu tiên, cam kết của Tổng thống Biden về việc "hoàn thành sứ mệnh" đưa những người dân Mỹ và người dân Afghanistan từng giúp đỡ Mỹ rời khỏi quốc gia này dường như là điều bất khả thi, nhất là khi tính đến việc nhà lãnh đạo Mỹ không có kế hoạch mở rộng hạn chót 31/8. Những cuộc trao đổi của ông về việc tiếp tục đưa những người từng hỗ trợ Mỹ rời Afghanistan sau khi Mỹ rút quân dường như khẳng định rằng Tổng thống Biden hiểu sự bất khả thi của việc khép lại sứ mệnh trên trong 4 ngày. Nhưng đưa người dân Afghanistan rời khỏi đất nước này mà không có các lực lượng của Mỹ ở đây thậm chí còn trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thứ hai, khả năng của Tổng thống Biden nhằm đáp trả IS-K sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu không có quân đội Mỹ trên thực địa hoặc bất kỳ nơi nào khác gần Afghanistan. Cam kết của Tổng thống Biden sẽ là phép thử thực tế đầu tiên của điều mà ông gọi là những khả năng "vượt qua đường chân trời", có thể sẽ sử dụng không lực hoặc máy bay không người lái được vũ trang tên lửa để đảm bảo rằng Afghanistan không một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố đe dọa đến an ninh nước Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan chưa kết thúc nhưng sẽ thay đổi.
"Chúng tôi sẽ rời Afghanistan. Nhưng chúng tôi không từ bỏ Afghanistan, những kẻ khủng bố vẫn vẫy vùng và do đó, những nỗ lực chống khủng bố sẽ tiếp tục", nhà phân tích về an ninh quốc gia, tình báo và chủ nghĩa khủng bố Juliette Kayyem nhận định.
Các cuộc tấn công ở sân bay Kabul đã cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Biden phải đối mặt khi các đồng minh yêu cầu mở rộng hạn chót.
Nếu rời đi theo hạn chót, Tổng thống Biden không thể đưa tất cả người dân Mỹ và hàng nghìn đồng minh Afghanistan rời khỏi lãnh thổ hiện do Taliban kiểm soát. Tuy nhiên, nếu ở lại, quân đội Mỹ sẽ đối mặt với nguy hiểm ngày càng lớn.
Cuộc đánh bom ngày 26/8 cũng cho thấy sự yếu thế của Mỹ tại Afghanistan. Sau khi chiến đấu chống Taliban trong 20 năm qua, quân đội Mỹ hiện đang phải dựa vào chính lực lượng này, vốn không có kinh nghiệm trong việc đảm bảo an ninh, để ngăn chặn những kẻ khủng bố tấn công sân bay Kabul.
Tương lai chính trị
Trong khi phe "diều hâu" chỉ trích Tổng thống Biden vì đã rút quân khỏi Afghanistan thì cũng có một tiền lệ trong lịch sử cho thấy nhà lãnh đạo này có thể sẽ có một vị thế chính trị mạnh mẽ hơn. Tổng thống Ronald Reagan từng rút quân Mỹ khỏi Lebanon vào đầu năm 1984, vài tháng sau khi 241 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại doanh trại của Thủy quân lục chiến nhưng ông Reagan đã giành chiến thắng cách biệt khi tái đắc cử vào năm đó.
"Ông Biden có trực giác rất nhạy cảm về người dân Mỹ. Ông ấy hiểu sẽ có một số lượng lớn người dân Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong việc giảm sự can thiệp của Mỹ trên thế giới", Timothy Naftali, một nhà sử học tại Đại học New York cho hay.
"Một điều ông ấy mong đợi là người Mỹ sẽ chấp nhận sự hỗn loạn trong thời gian ngắn này như một khoản 'phí trả trước' cho vị thế ổn định hơn của Mỹ trên thế giới trong tương lai”.
Vào thời điểm hiện nay, khi được hỏi sau vụ đánh bom kinh hoàng ngày 26/8, liệu có hối tiếc về việc tiếp tục quyết định rút quân của cựu Tổng thống Trump hay không, Tổng thống Biden đã trả lời rằng "Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến 20 năm này".