Thế giới ra sao nếu Mỹ vỡ nợ công?
(VOVTV) - Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua.
Khủng hoảng trần nợ công không phải chuyện mới ở Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện này cùng khả năng nước Mỹ vỡ nợ là chủ đề được giới đầu tư, tài chính và nhiều chuyên gia bàn luận suốt tuần qua.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nhưng điểm đáng chú ý trong lần đối mặt này là bối cảnh hiện nay ở nước Mỹ và các cuộc đàm phán giữa hai đảng được cho là khó khăn hơn để có thể đạt được 1 thỏa thuận về mức trần nợ công.
Trước cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngày từ đầu tháng 6 tới, Tổng thống Joe Biden ngày 09/05 sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Mặc dù cả hai bên đều khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, tuy nhiên, trước sự cấp bách của tình hình hiện nay, có khả năng cuộc họp này sẽ có kết quả khả quan khi hai bên có thể sẽ có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định để tránh tình trạng chính phủ vỡ nợ, điều có thể sẽ mang lại những hậu quả to lớn.
Một báo cáo mới công bố của Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden cho biết nếu Mỹ vỡ nợ dài hạn, hơn 8 triệu người có thể mất việc và một nửa giá trị thị trường chứng khoán có thể bị mất, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong báo cáo này, Nhà Trắng chỉ ra 3 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ, bao gồm trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Theo đó, ngay cả khi Mỹ không chịu cảnh vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm.
Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán "bốc hơi" gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5 điểm phần trăm. Báo cáo nhấn mạnh kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc suốt 3 tháng.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn đặc biệt là trong bối cảnh các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng. Tình hình này đã làm suy yếu nền kinh tế và có thể bắt đầu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử 3,5%.
Mỹ có thể vỡ nợ nếu cả hai đảng không đạt được thỏa thuận. Điều đó có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính, gây thiệt hại cho sản lượng kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc nếu đất nước không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn. Ngoài ra, việc vỡ nợ cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu và làm mất ổn định thị trường trái phiếu trên toàn thế giới, vì trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.
Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua. Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng đô la Mỹ nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng đô la.
Việc giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ. Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, thì các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ vì vậy cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong giới kinh tế cũng cho rằng, mặc dù vẫn có nguy cơ vỡ nợ nhưng khả năng này không cao, cộng với các tác động từ việc này có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì mà giới chức Mỹ cảnh báo.
Những cảnh báo nghiêm trọng mà giới chức Mỹ đưa ra chỉ nhằm gây sức ép trong nội bộ liên quan đến tranh cãi ngân sách là chính chứ không phải thực tế sẽ diễn ra như vậy.
Dù nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng trong lịch sử nước Mỹ, việc nâng trần nợ là một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD hiện nay.
Tin nổi bật
Tin Video