Thế giới có thể thiệt hại 38.000 tỷ USD mỗi năm vì biến đổi khí hậu
(VOVTV) - Tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Đây là kết quả nghiên cứu mới được một cơ quan do Chính phủ Đức bảo trợ thực hiện và công bố trong bối cảnh tác động kinh tế của biến đổi khí hậu vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và các nhà kinh tế thường bất đồng về quy mô của vấn đề.
Nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố ngày 17/4 ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ "bào mòn" 17% GDP kinh tế toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu dữ liệu khí hậu Leonie Wenz của Potsdam, người dân trên thế giới nghèo hơn vì biến đổi khí hậu. Trong khi đó, chi phí cho bảo vệ khí hậu thấp hơn nhiều so với thiệt hại này. Theo báo cáo, chi phí dành cho các biện pháp nhằm giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, sẽ là khoảng 6.000 tỷ USD, tức là chưa bằng 1/6 tổn thất kinh tế nếu nhiệt độ ấm lên vượt mức 2 độ C.
Khác với những nghiên cứu trước đây cho rằng biến đổi khí hậu có thể có lợi cho một số nền kinh tế, báo cáo mới của PIK khẳng định hầu hết các nền kinh tế đều sẽ chịu tổn hại, trong đó các nước nghèo, nước đang phát triển chịu tác động mạnh nhất. Theo báo cáo, bên cạnh việc chi tiêu quá ít cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các chính phủ cũng chi chưa đủ mức cần thiết cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo cáo ước tính thiệt hại dựa trên các xu hướng nhiệt độ và lượng mưa đã được tính toán nhưng không tính đến các hiện tượng cực đoan thời tiết hoặc các thảm họa khác liên quan đến khí hậu như cháy rừng hoặc nước biển dâng. Báo cáo cũng mới chỉ dựa trên lượng khí thải đã được thải ra dù lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng kỷ lục.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa cho hơn 1.600 khu vực trong 40 năm qua, và xem xét sự kiện nào trong số này gây tổn thất. Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng các kết quả đánh giá thiệt hại này cùng với các mô hình dự báo khí hậu để ước tính thiệt hại trong tương lai. Nếu lượng khí thải ra tiếp tục như mức hiện nay và nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ ấm lên vượt mức 4 độ C, ước tính thiệt hại kinh tế thế giới sau năm 2050 sẽ dẫn tới 60% thiệt hại thu nhập vào năm 2100. Nếu mức nhiệt ấm lên toàn cầu được giới hạn ở mức 2 độ C, thì tỷ lệ này là 20%./.
Tin nổi bật
Tin Video