Tin tức

Thầy tôi

Ai cũng có cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy dỗ. Cha mẹ chỉ có một, còn thầy cô thì khá nhiều. Mỗi thầy cô đều để lại ít nhiều dấu ấn trong cuộc đời học trò. Và tôi, ấn tượng nhất là thầy Phạm Ngọc Hà, dạy Văn lớp đệ ngũ (bây giờ là lớp 8), trường tư thục Chính Tâm Phan Thiết năm học 1970 – 1971.

20/11/2020 05:20

Tình thầy trò là thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Ảnh: Internet

Thầy hơn trò chừng mươi tuổi, hơi nhỏ con, đi xe vespa xanh và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Thủa đó, đi học về, lũ trẻ quê phải ra đồng ruộng hoặc lên rừng chặt củi, bẻ măng. Mùa gặt, đêm về còn đạp lúa. Thiên hạ dùng bò đạp, hơi lâu nhưng đỡ cực. Bố tôi chê bò đạp không kỹ, lại hay phóng uế nên ông chọn kéo trục đá.

Đó là khối bê tông hình trụ tròn, lỗ chỗ đá cuội, nặng hơn tạ. Ông kéo và mấy đứa con đẩy phía sau. Đi theo cũng bở tai, sức đâu mà đẩy phụ. Chủ yếu là tinh thần. Trục xong, giũ rơm, cào lúa, có khi tới gần nửa đêm. Sáng, mắt nhắm mắt mở đi học mà chưa làm bài. Có lần thầy mắng xối xả. Có lỗi nhưng đâu phải vì lười, mà vì không có thì giờ học. Tôi rất ghét mấy thầy như vậy.

Nhưng thầy Hà thì không. Thầy luôn hỏi và động viên tôi cố gắng. Sau này, khi đi dạy, gặp chuyện tương tự, tôi luôn tìm hiểu ngọn nguồn vì sợ học trò bị mắng oan như mình hồi xưa. Có em do đi làm đêm, gần sáng mới xong ca. Có em nuôi người nhà trong bệnh viện. Tôi đọc trong mắt các em sự chân thật và dễ dàng phát hiện sự chống chế, đổ lỗi.

Có lần thầy mời mấy đứa học trò nghèo về nhà ăn trưa. Lần đầu tiên được ăn cơm phố, được thầy đãi, ngon lại càng ngon. Lần đầu tiên, tôi được thưởng thức món thịt cốt lết, bình thường với dân phố nhưng với lũ trẻ quê, là món ngon nhất tôi được ăn từ trước tới giờ. Nay nhớ lại, vẫn nguyên vẹn cảm giác tuyệt vời lúc đó.

Thầy tôi - Ảnh 1.

Trường tư thục Chính Tâm Phan Thiết trong thập kỷ 60. Ảnh: Wikipedia

Ấn tượng nhất về thầy là những bài thơ chọn lọc cho học sinh bình giảng trước ở nhà. Bạn nào xuất sắc, được đọc cho cả lớp nghe, có khi chép lại để tham khảo. Thầy dạy Văn bằng tất cả đam mê, như truyền đạo. Thầy dạy quá hay, tôi và nhiều bạn khác bỗng mê môn Văn, dù trước đó, có đứa thích những môn khác. Ngoài các bài học trong sách giáo khoa, thầy còn sưu tầm thêm nhiều bài văn, thơ hay đưa vào bài giảng và giới thiệu những bài hay để đọc thêm.

Không hiểu bằng cách nào, từ lớp đệ ngũ, học với thấy Hà, tôi thuộc nằm lòng "Nhà Tôi" (Yên Thao), "Lỡ bước sang ngang" (Nguyễn Bính), "Tâm sự" (Linh Lan), ""Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm)…Hơn 30 năm quan, vẫn thuộc nằm lòng, từng câu, từng chữ. Có nhiều câu từ, đến nay vẫn chưa hiểu hết. Thầy đã truyền lửa để cậu học trò đệ ngũ cảm thấu nên mới nhớ dai như vậy.

Bài "Nhà tôi" sau này được Anh Bằng phổ nhạc, nhưng đoạn tả người vợ khác xa bản gốc "Tôi có người vợ trẻ đẹp như Thơ. Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ. Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín". Tôi mê thầy, mê Nguyễn Bính và đó là cơ duyên để sau này tôi trở thành thân thiết như người nhà của gia đình Nguyễn Bính, hiện ở Gò Vấp.

Thầy tôi - Ảnh 1.

Chúng ta thành đạt được như hôm nay là nhờ công ơn dạy dỗ của thầy cô. Ảnh: internet

Bài văn xuôi "Tâm Sự" của Linh Lan, không rõ tác giả; được thầy chép lại trên báo, kể chuyện có hậu về đôi bạn trẻ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài văn giàu hình ảnh, nhạc điệu hơn thơ, tới giờ tôi vẫn thuộc làu làu. Thuộc thơ thì thường, thuộc văn và đọc truyền cảm như thơ thì hơi lạ. Bài thơ "Bên kia sông Đuống", tình cờ đọc trên báo "Lòng Mẹ", như giấy thông hành đưa tôi đến phong trào học sinh sinh viên thành phố.

Tôi bặt tin thầy khi rời quê vào Sài Gòn học đại học và tham gia cách mạng năm 1974. Sau 1975, cũng như nhiều thầy cô dạy các môn xã hội ở miền Nam, thầy thất nghiệp, cùng gia đình, bỏ phố về vùng kinh tế mới Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận làm rẫy. Mãi đến năm 1999, qua bạn bè lưu lạc, tôi mới biết địa chỉ, tìm về thăm thầy.

Thầy không ở nhà mà ở mình trên rẫy, trong cái chòi nhỏ tuềnh toàng lộng gió và nắng của vùng Phan Thiết. Thầy già đi nhiều nhưngvẫn lạc quan hóm hỉnh. Tôi nói: "Em tìm thầy như thể tìm chim". Thầy cười phúc hậu rồi từ tốn: "Tôi vẫn thình thoảng gặp em trên đài phát thanh, cả trong và ngoài nước". Trên rẫy, ngoài giờ lao động thầy làm bạn với chiếc radio con cóc, nghe tin tức thế giới.

Lần sau, tôi mang tặng thầy bộ ấm chén mua từ Ngũ Hành Sơn, trà ngon Bảo Lộc và trái sầu riêng Buôn Ma Thuột. Thầy rưng rưng: "Từ năm 1974 đến nay, tôi mới được ăn lại sầu riêng". Nghe mà quặn ruột. Rồi thầy kể về những kỷ niệm trước 1975, đi dạy các nơi. Tuyệt nhiên không nhắc gì tới những khó khăn hiện tại.

Gần Tết năm 2000, tôi nhận thư thầy. Trong thư thầy nhắc: "Hồi đó, em nhút nhát, ít nói, hiền như con gái, hơn cả con gái. Bây giờ thì khác hẳn. Mạnh mẽ, quyết liệt và nói nhiều. Làm giám đốc mà không giống giám đốc…". Rồi thầy dặn: "Có bình minh, rồi sẽ có hoàng hôn. Em phải sống thế nào để hoàng hôn tới, mình không tiếc nuối, ân hận…". Tôi viết tặng thầy bài thơ, xin ghi lại, gửi hương hồn thầy nơi tây phương cực lạc. 

Mười mấy năm nay, thầy đi xa. Thầy ra đi nhẹ nhàng, bình yên trong chòi thơ trên rẫy. Cô bảo thầy tự đày mình nhưng tôi tin thầy thích sống vậy, để chiêm nghiệm cuộc đời dâu bể đổi thay. Tôi về phụ cô lo đám tang thầy. Tôi không phải là học trò cưng của thầy nhưng thầy là người tôi kính trọng và biết ơn nhất, sau bố mẹ.

Bố mẹ sinh thành, dưỡng dục. Thầy cô dạy dỗ, truyền đạt kiến thức. Thầy Hà là điển hình trong số hàng chục người thầy tôi may mắn được học trong nhà trường. Cũng có rất nhiều "thầy cô" từng chỉ dạy tôi trong sách vở và ngoài đời, có khi họ không biết. Tự đáy lòng mình, xin cám ơn tất cả những thầy cô trong cuộc đời này, đã góp phần hình thành nhân cách và hun đúc trí tuệ bao thế hệ, trong đó có tôi.

Bài viết này thay cho bó hoa đời dâng tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

CUỐI NĂM NHẬN ĐƯỢC THƯ THẦY

Kính tặng hương hồn thầy Phạm Ngọc Hà

Cuối năm nhận được thư Thầy

Bâng khuâng nhớ lại, những ngày xa xưa

Miệt mài gieo hạt, sớm – trưa

Bão giông, Thầy vẫn say sưa với nghề

Chúng em ngày ấy – chân quê

Nhờ Thầy truyền Lửa, đam mê học hành

Yêu Thầy – yêu cả môn Văn

Ngôi trường nhỏ, đã mấy lần đổi tên

Trọn đời em vẫn không quên

Mặc bao dâu – bể, truân chuyên, nhọc nhằn

Xa thầy gần ba chục năm

Ẩn mình, Thầy vẫn – kiếp tằm nhả tơ

Cậu bé mặc cảm ngày xưa

Nhờ Thầy dạy dỗ, bây giờ lớn khôn

Nghĩa – Nhân – Trí – Dũng, sắt son

Lời Thầy là cả nước non vơi đầy

Cuối năm nhận được thư Thầy

Rưng rưng kỷ niệm, đắng cay, ngọt bùi

Nhân gian xuôi ngược, buồn vui

Học trò Thầy – vẫn một đời thẳng ngay

Trời cao – Biển rộng – Đất dầy

Công cha – Nghĩa Mẹ - Ơn Thầy khắc ghi.

NGUYỄN VĂN MỸ (Cựu học sinh Trung học Chính Tâm Phan Thiết từ 1967 – 1974)

Ý kiến của bạn