Thấy gì qua sự chênh lệch giữa việc chọn tổ hợp KHTN và KHXH?
(VOVTV) - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 100 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất có tới 97 thí sinh thuộc tổ hợp KHXH, điều này cũng phản ánh thực tế số lượng thí sinh chọn tổ hợp KHXH áp đảo hẳn so với tổ hợp KHTN. Vì sao lại có xu hướng này? Các chuyên gia khuyến nghị gì để hạn chế sự bất cân bằng giữa hai nhóm ngành nghề?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có 37% thí sinh chọn tổ hợp KHTN trong khi 63% chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH), mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Học dễ hơn, số lượng ngành và chỉ tiêu dành cho KHXH và kinh tế nhiều hơn KHTN là những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này.
Tính ở mức độ toàn quốc, số thí sinh nhập học khối ngành kỹ thuật năm 2023 chỉ bằng 1/3 khối ngành kinh tế. Trong khi đó, số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH ngày càng tăng khiến cho sự mất cân đối nhân lực các ngành nghề có thể xảy ra. Đây là xu hướng đáng lo ngại bởi kỹ thuật công nghệ là lĩnh vực nòng cốt trong quá trình phát triển hiện nay.
Thực tế, số lượng thí sinh xét tuyển vào các ngành khoa học xã hội rất lớn, trong khi ở khối kỹ thuật công nghệ, ngoại trừ các trường lớn, uy tín thì các trường đa ngành đều khó tuyển sinh. Do đó, với cơ chế tự chủ tuyển sinh, các trường sẽ có xu hướng mở nhiều tổ hợp KHXH hơn để đáp ứng nhu cầu của thí sinh.
Rõ ràng, xu hướng bất cân bằng giữa tổ hợp KHTN và KHXH trong ngắn hạn có thể chưa có nhiều tác động, nhưng về lâu dài, nếu không có sự điều chỉnh, có thể gây mất cân bằng nguồn nhân lực trong tương lai./.
Tin nổi bật
Tin Video