Thay đổi cách phân vùng nguy cơ Covid-19 để phòng, chống hiệu quả hơn
Bộ Y tế nhận định, với chủ trương sống chung an toàn với Covid-19, việc đánh giá số ca nhiễm trên 100.000 dân/tuần không còn quá quan trọng. Thay vào đó là đánh giá tình hình dịch bệnh qua tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương. Với thành phố Hồ Chí Minh, đây là cách tính phù hợp với thực tế chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Cách tính mới sát thực tế
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 hôm 25-11. Dự kiến cách tính mới sẽ áp dụng ngay từ cuối tháng 11-2021.
Theo cách cũ, số ca nhiễm mới Covid-19 trên địa bàn trong 1 tuần tính trên 100.000 dân cùng các yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng thu dung, điều trị… sẽ quyết định địa phương đó ở cấp độ dịch nào. Tuy nhiên, cách tính này đã bộc lộ bất cập. Tại thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ là một thực tế điển hình khi từ vùng xanh, bị tụt xuống thành vùng cam và mới trở lại vùng vàng.
Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, huyện rộng 704km2, nhưng chỉ có 75.000 dân. Một số xã là nơi trọ của các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tại huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).
“Khi các công nhân trở lại làm việc, nhiều người bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly điều trị tại nơi cư trú. Tính tỷ lệ ca nhiễm/100.000 dân/tuần cao, nên Cần Giờ bị tăng cấp độ dịch Covid-19”, ông Lê Minh Dũng nói.
Từ phía người dân, chị Vũ Anh Thư, ngụ tại tổ dân phố 14, ấp Bình An, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ nói: "Sống chung với Covid-19 suốt thời gian qua, tôi không còn để ý số ca nhiễm mới mà chú ý hơn đến việc người bị nhiễm bệnh được chăm sóc thế nào, nguy tăng nặng, tử vong ra sao..., vì mở lại các hoạt động xã hội, tỷ lệ nhiễm bệnh sẽ cao hơn trước đây".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhận định, cách phân vùng nguy cơ theo số ca nặng, ca tử vong sẽ sát thực tế phòng, chống dịch Covid-19 hơn. Tuy nhiên, thành phố cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi trong 5 ngày qua, số ca tử vong trung bình mỗi ngày là hơn 60 ca, chiếm 73% tổng số ca tử vong của cả nước; số ca nguy kịch hơn 300 ca/ngày. Việc này đòi hỏi thành phố phải nỗ lực hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19.
Triển khai nhiều biện pháp
Thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều giải pháp khi thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về tăng cường cách ly, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà và tăng cường năng lực y tế cơ sở, từ đó giảm thiểu số ca tăng nặng, giảm tử vong. Mới đây nhất, ngày 25-11, huyện Củ Chi ra mắt mô hình mới Trung tâm Hỗ trợ F0 tại cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi Lê Thanh Phong cho biết, Huyện ủy Củ Chi giao Trung tâm An sinh xã hội huyện kiêm chức năng hỗ trợ F0 tại cộng đồng, thành lập 2 cấp trung tâm hỗ trợ F0. Cấp huyện do Ban Giám đốc Trung tâm An sinh xã hội huyện trực tiếp chỉ đạo; Thường trực Huyện đoàn đảm trách tiếp nhận, theo dõi F0 trên bản đồ và tiếp nhận các phản ánh trực tiếp từ F0 qua trực tuyến.
Ở cấp xã, thị trấn, 178 tổ hỗ trợ F0 được lập ở 178 ấp, khu phố, mỗi tổ ít nhất 3 người không trùng với thành viên tổ Covid-19 cộng đồng để nắm tình hình cách ly, điều trị, phản ánh về Trung tâm để trao đổi cùng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương kiểm tra, hỗ trợ kịp thời hoặc xử lý vi phạm (nếu có) trong vòng 24 giờ. Mục tiêu không để bất cứ ai nhiễm Covid-19 mà không được quản lý, chăm sóc, hỗ trợ.
Trên quy mô toàn thành phố, ngoài những biện pháp đã triển khai, Sở Y tế còn phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 8 nhóm Zalo phân theo từng khu vực để giám sát các trạm y tế phường, xã. Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết: “Tại các nhóm Zalo này, các lãnh đạo, chuyên gia trao đổi thường xuyên về hoạt động chuyên môn cũng như hỗ trợ trong công tác điều chuyển bệnh nhân, hỗ trợ triệt để cho F0 điều trị tại nhà”.
Còn theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố đang tăng cường quản lý di biến động dân cư với phương châm “nắm chắc hộ, nắm chắc người” khi người lao động quay lại thành phố ngày càng nhiều. Từ đó, giám sát các hộ gia đình có F0 trên địa bàn, kịp thời tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho người chưa tiêm.
Tin nổi bật
Tin Video