Thanh toán không dùng tiền mặt, tiện lợi phải gắn với an toàn
(VOVTV) - Trong 4 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh qua các kênh Internet, điện thoại di động, cả về số lượng và giá trị giao dịch.
Gần hai năm qua, các ngành, các địa phương thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021), đã đạt nhiều kết quả khả quan. Dễ nhận thấy nhất là xây dựng được thói quen thanh toán, chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt trong xã hội. Người tiêu dùng từ chưa biết thì nay có thể thao tác để nộp thuế, phí, thanh toán dịch vụ, mua sắm…không dùng tiền mặt một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề hạ tầng, bảo mật, an toàn vẫn là mối lo ngại cần được giải quyết để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Ai cũng thấy thuận lợi
Hiện nay, tại Việt Nam, trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh qua các kênh Internet, điện thoại di động, cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng mạnh nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Kelvin Tanu Utomo, Trưởng Bộ phận Sản phẩm và giải pháp của Visa Việt Nam và Lào cho biết, thanh toán qua ví điện tử, thanh toán bằng QR code đang phổ biến tại Việt Nam: "Thanh toán đã thay đổi rất nhiều, thay vì quẹt thẻ như trước thì giờ đưa thẻ vào thanh toán, click để thanh toán và gần đây nhất là nở rộ quét mã QR để thanh toán. Bất kể phương thức nào thì cũng nhằm tạo nền tảng thanh toán tiện lợi cho người dùng, khách hàng thoải mái chọn lựa."
Các bộ ngành và địa phương triển khai thanh toán không tiền mặt bằng nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, xem đây là việc phải làm trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Như TP.HCM luôn có ý thức, có sự chuẩn bị, có giải pháp để tiếp nhận những xu hướng kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển. Đến nay, các cơ quan nhà nước của TP.HCM như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông…đã tiến hành thanh toán không tiền mặt, TP đã có 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn trình.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này: "Chúng tôi đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta cần có quy định bắt buộc, ví dụ như các khoản thanh toán từ 10 triệu đồng trở lên hoặc mức nào đó trở lên thì không dùng tiền mặt. Những chính thức như thế sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt."
Nhưng còn nhiều lo ngại
Để phương thức thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp cần tạo niềm tin cho người dùng. Vì khách hàng ưu tiên dùng nền tảng thanh toán có độ tin cậy cao hơn thay vì rẻ hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, năm 2022, thị trường bán lẻ tăng 12% trong khi thanh toán không tiền mặt tăng đến 32%. Có 77% người tiêu dùng Việt Nam mong muốn cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán không tiền mặt nhưng cũng có 79% người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn. Giá trị thanh toán bằng tiền mặt ở thương mại ngoại tuyến vẫn còn ở mức 42%.
Người dân chưa sử dụng thanh toán không tiền mặt do lo ngại mất an toàn, nhiều khu vực chưa được kết nối mạng và tốc độ mạng cũng chưa đáp ứng nhu cầu thanh toán, các hệ thống thanh toán chưa đồng bộ….Ông Đức nói: "Thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân cũng cần có những tác động mang tính chất chiều sâu để thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cần có những quy định, chế tài nhất định để đảm bảo tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tăng lên và hiệu quả chung của lưu thông tiền tệ cũng tăng lên."
Một số chuyên gia nhận định, rủi ro an ninh mạng đối với Việt Nam đang gia tăng vì nhiều lý do, trong đó có phần do Việt Nam đang tăng mạnh các hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, ứng dụng xu hướng công nghệ để nâng cao khả năng đảm bảo an toàn trong giao dịch qua mạng.
Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay có hai bộ dữ liệu là: bộ dữ liệu dân cư gồm 18 trường thông tin công dân cơ bản với 104 triệu người dân Việt Nam hiện đã có mã định danh duy nhất và bộ dữ liệu sinh trắc với gần 81 triệu căn cước công dân mang dữ liệu sinh trắc. Đây được xem là bộ dữ liệu gốc, sẽ dùng trong các lĩnh vực, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho các giao dịch của công dân.
Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Tấn nhấn mạnh: "Trong quá trình triển khai Đề án 06 đã làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm, 80% thuê bao di động, 21 triệu trong số 25 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng…Từ đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch điện tử, trong đó có thanh toán không tiền mặt."
Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (còn gọi là Đề án 06). Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hợp tác này đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành ngân hàng, hạn chế đến mức tối đa các thực trạng về tài khoản ảo, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng./.
Tin nổi bật
Tin Video