Kinh doanh

Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển nhà ở bình dân

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu vắng nhà ở giá bình dân, khiến nhiều người có nhu cầu không thể tiếp cận. Thành phố đang xây dựng đề án phát triển nhà ở đáp ứng quy mô dân số tăng 1 triệu người trong 5 năm tới, trong đó tập trung phát triển các dự án nhà ở giá bình dân.

18/11/2020 09:51

Vắng bóng nhà ở bình dân

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng ngủ) tại thành phố Hồ Chí Minh có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (tương đương 35 triệu đồng/m2), cao hơn nhiều lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân (dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng). Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (tương đương 25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở bình dân, nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường thành phố trong hai năm qua.

Anh Bùi Thành Công (ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, gia đình anh có tổng thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi tiêu, gia đình anh tiết kiệm được khoảng 8 triệu đồng/tháng. “Với mức tiết kiệm này, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới mua nổi căn hộ trên 2 tỷ đồng bởi hiện căn hộ dưới 2 tỷ đồng gần như không có”, anh Bùi Thành Công chia sẻ.

nhà ở bình dân 1

Nhà ở bình dân mất cân đối cung - cầu. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho biết, vào thời điểm tháng 11-2020, giá căn hộ thấp nhất trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh khoảng 27-28 triệu đồng/m2, tuy nhiên sản phẩm không nhiều. Nhiều nhất là các dự án căn hộ hạng C, với mức giá trung bình từ 30 đến 35 triệu đồng/m2, tập trung ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Thậm chí, có căn hộ tại quận 9, cách trung tâm thành phố tới 40km, có giá lên tới 40 triệu đồng/m2… “Ở thời điểm này, căn hộ dưới 2 tỷ đồng rất khó tìm tại thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Hoàng cho hay.

Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về nhà ở giá hợp lý hiện rất lớn, nhưng trong giai đoạn 2016-2019, chỉ có khoảng 14 dự án nhà ở xã hội với quy mô 10.255 căn hộ được đưa vào sử dụng, trong khi nhu cầu thực tế khoảng 134.000 căn. Còn trong năm 2020, có rất ít dự án nhà ở xã hội được triển khai. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở, Công ty TNHH CBRE Việt Nam, thị trường nhà ở tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng lại không chú trọng phát triển phân khúc nhà ở xã hội, chỉ tập trung phát triển nhà ở trung và cao cấp.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển nhà ở bình dân - Ảnh 2.

Nhà ở bình dân có phần "lép vế" so với nhà ở trung cấp và cao cấp. Ảnh: Internet

Về phía chủ đầu tư, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, doanh nghiệp rất khó đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ bởi nhiều lý do như giá đất cao, thủ tục đầu tư rất phức tạp, chi phí không chính thức cao… “Do đó, ở góc độ bài toán kinh tế, nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư nhà ở giá rẻ”, ông Lê Hữu Nghĩa lý giải.

Đưa cung “khớp” với cầu

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Trần Kiên cho biết, Sở đang xây dựng đề án phát triển nhà ở bảo đảm cho 1 triệu dân tăng thêm trong vòng 5 năm tới. Trong đề án này, thành phố sẽ tập trung đầu tư các dự án nhà ở có giá bán phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đưa nguồn cung dần “khớp” với nhu cầu ở thật. Đối với những dự án nhà ở trung và cao cấp tồn kho, thành phố cũng xem xét chuyển sang nhà ở bình dân hoặc nhà ở xã hội để người có nhu cầu ở dễ dàng tiếp cận.

Hiện khu Đông thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm điểm thu hút nhà đầu tư và những người mua để ở. “Chúng tôi dự đoán đến năm 2025, nguồn cung lũy kế tại phía Đông thành phố sẽ đạt 198.000 căn, tăng 44% so với nguồn cung hiện nay”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở, Công ty TNHH CBRE Việt Nam nhận định.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển nhà ở bình dân - Ảnh 3.

Đưa cung khớp với cầu là việc cần được triển khai sớm. Ảnh: Internet

Trước thực trạng số lượng các dự án nhà ở xã hội vẫn còn ít, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, cụ thể: Rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở…

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: “Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội hiện vẫn phải thực hiện các thủ tục, quy trình giống như nhà ở thương mại nên rất chậm, cần phải có sự thay đổi để khuyến khích phát triển phân khúc này. Đối với người dân, cần có cơ chế tài chính hỗ trợ để người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội...”.

Ý kiến của bạn