Tin tức

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn của DABACO?

(VOVTV) – Việc xây dựng Dự án chăn nuôi lợn của Công ty DABACO có vị trí ở khu vực đầu nguồn nước có thể dẫn đến hậu quả nhãn tiền là ô nhiễm nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
30/04/2021 10:38

"Bất thường" tại 3 vị trí san, lấp?

Phản ánh đến Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam – VOVTV, người dân tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành cho biết, Dự án chăn nuôi do Công ty CP Tập đoàn DABACO (có địa chỉ tại Số 35, đường Lý Thái Tổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) làm chủ đầu tư.

Việc triển khai cũng như chủ trương đầu tư xây dựng dự án người dân chỉ nghe "mang máng" chứ chưa có thông tin cụ thể, bởi quá trình triển khai Dự án người dân không được chính quyền địa phương cũng như công ty thông tin về dự án. Những thông tin mà người dân có được chỉ là "nghe nói" chứ không có thông tin cụ thể.

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn? - Ảnh 1.

Mặc dù các thủ tục pháp lý liên quan đang trong tiến trình hoàn thiện, nhưng chủ đầu tư đã "tranh thủ" làm dần

Trao đổi với PV VOVTV, ông Nguyễn Văn Trung (40 tuổi) – người dân xã Thạch Quảng cho biết: "Hiện tại tôi cũng không biết dự án này là xây dựng công trình gì, nếu như là dự án chăn nuôi lợn thì tôi cũng như người dân ở đây không đồng ý là vì vị trí xây dựng ở đầu nguồn nước. Cứ vào mùa mưa từ tháng 7 - 8 thì nước từ trong khu vực cống hang (tên gọi địa phương – PV) đổ về khu dân cư chúng tôi như sông, gây ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư chúng tôi. Vì thế người dân chúng tôi mong muốn, nếu như xây dựng trại nuôi lợn tại đây thì đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại và di chuyển dự án đi chỗ khác".

"Về thông tin dự án thì chúng tôi không biết đó là dự án gì, chỉ nghe nói là Tập đoàn DABACO về làm, chúng tôi có hỏi cán bộ kỹ thuật của công ty thì được biết là xây dựng trang trại nuôi lợn. Hiện tại, công ty đã đem máy móc, thiết bị vào để san lấp mặt bằng trong đó rồi" - ông Trung nói.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Đức Duyên (55 tuổi) – người dân xã Thạch Quảng chia sẻ: "Người dân chúng tôi sống ở nông trường đây cũng đã được mấy chục năm rồi nhưng vừa rồi chúng tôi nghe nói trong khu vực cống hang đây có dự án trại chăn nuôi lợn hay bò gì đấy chúng tôi cũng không được biết, cũng không thấy họp dân. Cách đây khoảng hơn 1 tháng thấy phía công ty có đưa máy móc vào trong đó để san, lấp mặt bằng và tiến hành đền bù cho dân".

"Việc triển khai xây dựng dự án thì dân chúng tôi phải được biết là dự án gì, làm như thế nào và thời gian thực hiện bởi vì khu vực đó là khu vực đầu nguồn nước, nếu dự án đi vào hoạt động trong trường hợp không đảm bảo thì sẽ gây ô nhiễm. Vì thế đề nghị cấp trên xem xét lại dự án" – ông Duyên nói.

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn? - Ảnh 2.

Người dân xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trao đổi với PV VOVTV

Để xác minh thông tin, PV VOVTV đã "mục sở thị" tại vị trí được cho là dự án chăn nuôi của Công ty DABACO xây dựng. Tại đây theo ghi nhận của PV, vị trí dự án nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 5km, để đến được địa điểm nêu trên, PV phải di chuyển bằng xe máy theo con đường mòn nối từ đường Hồ Chí Minh đi vào, mặc dù được xây dựng trên khu đất thuộc xã Thạch Tượng nhưng để vào khu vực dự án thì phải đi theo đường mòn nằm trên địa bàn xã Thạch Quảng – vì đây được coi là con đường "độc đạo" dẫn vào dự án.

Tại đây, theo quan sát Chủ đầu tư – Công ty DABACO đã tiến hành san, lấp tạo mặt bằng tại 3 vị trí khác nhau, vị trí thứ nhất có diện tích khoảng 1.000m2 cách đó khoảng 300 mét là vị trí thứ 2 – khu vực này đang được Công ty sử dụng máy móc san, lấp mặt bằng với diện tích khoảng 5.000 m2. Tiếp tục di chuyển theo đường mòn khoảng 1km để đến vị trí thứ 3 – vị trí này đã được chủ đầu tư tiến hành san lấp với diện tích khoảng trên 3.000m2.

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn? - Ảnh 3.

Thời điểm PV có mặt, chủ đầu tư đã sử dụng phương tiện, máy móc để san, lấp tạo mặt bằng

Tại thời điểm PV có mặt, nhiều phương tiện, máy móc như máy xúc, máy lu, máy ủi và xe tải (4 chiếc máy xúc - loại K200 và DOOSAN 300; 2 máy lu; 3 máy ủi; 3 xe tải) đang hoạt động hết công xuất để phục vụ cho việc san, lấp tạo mặt bằng.

"Dự án đang hoàn thiện hồ sơ"

Trước những thông tin phản ánh cũng như ghi nhận thực tế, PV đã có trao đổi với ông Nguyễn Đình Thiều – Chủ tịch UBND xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, tại trụ sở ông Thiều thông tin: "Vị trí phóng viên nói đến là Dự án chăn nuôi của Công ty DABACO. Đối với các thủ tục pháp lý liên quan thì hiện Dự án đã có phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định số 1069/UBND tỉnh ngày 27/3/2020, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 và đã có phương án đánh giá tác động môi trường. Còn giấy phép xây dựng cũng như các giấy tờ liên quan chưa hoàn thiện, hiện tại bên Công ty đang làm hồ sơ giải phóng mặt bằng".

"Hiện nay có một số hiện tượng mà Công ty đang làm là do nhân dân đang thu hoạch cây Keo, nông sản, lâm sản không có vấn đề gì liên quan đến san lấp cả, phía công ty chỉ hỗ trợ sửa chữa đường để người dân vận chuyển thôi. Còn về quan điểm của nhân dân thì ở đâu cũng có tích cực và tiêu cực nhưng đối với tập đoàn này địa phương đã làm việc rất nhiều và theo đúng quy trình" ông Thiệu nói thêm.

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn? - Ảnh 4.

Chỉ cách vị trí san lấp thứ nhất khoảng 1km, vị trí thứ 2 đang được chủ đầu tư tiến hành san lấp

Còn ông Nguyễn Văn Tư – Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết : "Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2020. Đến nay huyện Thạch Thành và chủ đầu tư đang thực hiện phương án công tác GPMB, dự án mới trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500".

Hiện tại, dự án vẫn chưa đầu tư bất kỳ một hạng mục nào, thậm chí hiện trạng như thế nào đến bây giờ vẫn nằm nguyên như vậy. Đơn vị đã lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để trình UBND tỉnh phê duyệt và Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thẩm định.

"Nguồn gốc đất của khu vực Dự án gồm đất rừng, đất lâm nghiệp, đất sản xuất, đất trồng cây hàng năm thuộc quỹ đất do UBND xã Thạch Tượng quản lý. Hiện tại, đối với thủ tục pháp lý như thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh" – ông Tư nói.

Thanh Hóa: Vì sao người dân phản đối xây dựng Dự án chăn nuôi lợn? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Tư, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa làm việc với PV VOVTV

Được biết, Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại xã Thạch Tượng và xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1069 ngày 27/3/2020. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam làm chủ đầu tư. Diện tích đất thực hiện khoảng 521.000m2.

Mục tiêu của Dự án nhằm chăn nuôi, cung cấp lợn giống, lợn thịt đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quyết định về việc Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại xã Thạch Tượng và Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)

Dự án có quy mô gồm khu chuồng nuôi 2.400 con lợn nái (diện tích 15.090,5 m2); khu chuồng nuôi 3.200 con lợn nái (diện tích 19.329,8 m2); khu chuồng lợn thương phẩm (rộng 96.731,7 m2); khu phụ trợ (111.644,9 m2); các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và đất dự trữ (273.483,3 m2).

Công suất thiết kế chăn nuôi khoảng 5.600 con lợn nái/năm; cung cấp ra thị trường khoảng 69.500 con lợn giống/năm, 9.800 con lợn hậu bị/năm, 77.400 con lợn thương phẩm/lứa.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng trên 654 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm, khởi công xây dựng vào tháng 9/2021 và hoàn thành đi vào hoạt động tháng 11/2023.

Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Vì sao người dân phản đối việc xây dựng Dự án chăn nuôi lợn của DABACO

Ý kiến của bạn