Tháng 5 về với Mường Phăng
(VOVTV) - Xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) là nơi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt vị trí cuối cùng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. 69 năm đã trôi qua, vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng ngày nào vẫn giữ được nguyên vẹn những công trình của Bộ Chỉ huy chiến dịch và đang chuyển mình đổi thay, với diện mạo của một xã nông thôn mới ngày càng khang trang, khởi sắc.
Những ngày tháng 5 lịch sử này, hàng chục nghìn du khách thập phương đã hướng về Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đóng quân cuối cùng, chỉ huy chiến dịch toàn thắng.
Sau 69 năm, tất cả công trình tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đều được giữ gìn vẹn nguyên, từ đường hầm, những lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên Bộ Tổng tham mưu, hay đài quan sát, nhà hội trường có vách kết bằng phên nứa bện thêm cỏ tranh, bếp Hoàng Cầm... Nhờ đó, ngoài việc tham quan tìm hiểu những giá trị lịch sử làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây gần 7 thập kỷ, du khách gần như hồi tưởng lại được những khó khăn, gian khổ của quân đội ta, càng thêm sự khâm phục, tự hào.
Đến với Mường Phăng, ông Cao Văn Du (Hà Nội) cho biết các con, cháu ông mặc dù cũng tìm hiểu nhiều về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch qua sách báo, nhưng khi trực tiếp có mặt, tận mắt nhìn thấy những hiện vật tại đây, các cháu đều không khỏi ngạc nhiên về tính sinh động của hiện vật và trào dâng sự xúc động, trân trọng những giá trị của lịch sử.
"Tôi muốn đưa các con, các cháu lên đây để tham quan lại chiến trường xưa, ôn lại lịch sử của đất nước mình. Mỗi một lần đến Điện Biên tôi đều thấy được sự thay đổi rõ rệt, các điểm di tích được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ cẩn thận, rất đáng quý", ông Cao Văn Du chia sẻ.
Còn ông Lê Đức Thủy - cựu chiến binh đến từ Hải Phòng cho biết hòa trong không khí hào hùng của ngày 7/5, bản thân ông rất vinh dự khi được có mặt tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính quyền tỉnh Điện Biên đã gìn giữ, phát huy khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nói chung rất tốt. Nhờ đó giúp thế hệ mai sau có cái nhìn khái quát, chân thực, khách quan về sức mạnh đi đến chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
69 năm đi qua, diện mạo căn cứ địa cách mạng Mường Phăng hôm nay đang đổi thay từng ngày với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước. Tuyến đường vào xã được đầu tư, nhựa hóa, giúp cho việc di chuyển của nhân dân và du khách từ xã Nà Tấu và thành phố Điện Biên Phủ vào trung tâm xã gần và thuận lợi hơn rất nhiều. Đầu năm 2020, xã Mường Phăng được sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Mường Phăng hôm nay đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, phá thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 520ha lúa 2 vụ; hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản; 42ha cây ăn quả... Nhân dân xã Mường Phăng đã và đang đoàn kết, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế.
Theo ông Hoàng Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, với hệ thống di tích gồm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Cụm tượng đài mừng công, công viên Chiến thắng Mường Phăng… trên địa bàn xã đã tạo thế mạnh để Mường Phăng phát triển du lịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, Mường Phăng đã đón trên 17.500 lượt du khách đến tham quan.
Với lợi thế này, nhiều gia đình ở xã Mường Phăng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các cơ sở kinh doanh nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, buôn bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện chỉ còn 15 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
"Xã cũng đang tập trung đưa những nội dung thiết thực để phát triển, nâng tầm kinh tế cho bà con. Được sự quan tâm của các cấp trong việc nâng cấp tuyến đường và xây dựng mới khu vực chợ đã giúp việc đảm bảo hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động du lịch và đời sống của người dân" - ông Hoàng Trung Thành cho biết.
Mường Phăng - vùng căn cứ địa hôm nay đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Người dân Mường Phăng kiên cường năm xưa nay lại tiếp tục trân trọng gìn giữ các di tích lịch sử biến thành lợi thế phát triển kinh tế, quyết tâm phấn đấu để đưa một xã khó khăn vùng ngoài lòng chảo ngày càng phát triển, đời sống người dân ấm no hơn, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng./.