Tham vọng tiến tới vũ trụ ảo Metaverse trong Facebook mới
Facebook đã đổi tên công ty để hướng đến một vũ trụ ảo 3D trong tương lai – nơi người dùng có các trải nghiệm sống động như đời thật.
Hôm 28/10, giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty thành Meta Platforms, gọi tắt là Meta. Cái tên này bắt nguồn từ thuật ngữ “metaverse” – nghĩa là vũ trụ ảo, hay còn gọi là vũ trụ kỹ thuật số. Đây có lẽ là sự kiện lớn nhất liên quan đến metaverse kể từ khi nhà văn viễn tưởng Neal Stephenson đặt ra thuật ngữ này trong cuốn tiểu thuyết “Snow Crash” xuất bản năm 1992.
Tuy nhiên, Zuckerberg và đồng sự không phải là những người duy nhất quan tâm đến ý tưởng hình thành vũ trụ ảo metaverse, được kết hợp giữa thực tế ảo với các công nghệ khác. Nhiều người cảm thấy lo ngại trước ý tưởng về một không gian ảo gắn liền với mạng xã hội khổng lồ Facebook - nơi chứa dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người dùng, bị cáo buộc không ngăn chặn các thông tin sai lệch nguy hiểm và tiềm tàng các tác hại trực tuyến khác có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến những vấn đề trong thế giới thực.
Metaverse là gì?
Zuckerberg đã mô tả Metaverse như một “môi trường ảo” hiển thị dưới dạng 3D – nơi con người có thể tiến vào nhờ các công nghệ kết hợp thay vì chỉ nhìn được qua màn hình. Về cơ bản, đó là nơi các cộng đồng ảo được kết nối với nhau vô tận. Mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí tại đây bằng cách sử dụng tai nghe và kính thực tế ảo, ứng dụng trên điện thoại hoặc các thiết bị khác.
Theo nhà phân tích công nghệ Victoria Petrock, Metaverse cũng sẽ kết hợp các khía cạnh khác của đời sống trực tuyến như mua sắm và mạng xã hội.
“Bạn sẽ có một cuộc sống ảo giống như đời thật”, cô Petrock cho biết.
Người dùng có thể làm gì trong Metaverse?
Tại vũ trụ Metaverse, chúng ta có thể xem các buổi hòa nhạc ảo, tham quan trực tuyến, tự tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí là mặc thử hoặc mua quần áo kỹ thuật số.
Các trải nghiệm vũ trụ ảo mang lại đặc biệt có ý nghĩa trong thời kỳ COVID-19 – khi nhiều khu vực áp dụng các hạn chế chống dịch và buộc người dân phải làm việc tại nhà. Trong Metaverse, mọi người có thể cùng làm việc trong một văn phòng ảo thay vì chỉ có thể trông thấy nhau qua mạng hay gọi điện video.
Trước đó, Facebook cũng tung ra một phần mềm họp cho các công ty, được gọi là Phòng làm việc Horizon. Để sử dụng dịch vụ này, người dùng phải kết hợp với tai nghe Oculus VR có giá từ 300 USD trở lên. Mức giá đắt đỏ khiến nhiều người không thể tiếp cận những trải nghiệm tiên tiến nhất của metaverse.
Những người dùng đủ khả năng chi trả sẽ có khả năng di chuyển giữa những không gian ảo do các công ty khác nhau tạo ra.
Ông chủ Facebook cho biết người dùng metaverse sẽ có khả năng dịch chuyển giữa các trải nghiệm khác nhau. Chính vì vậy, các công ty công nghệ cần tìm cách kết nối các nền tảng trực tuyến của họ trong không gian ảo.
Để đưa vũ trụ metaverse vào hoạt động, các nền tảng công nghệ cạnh tranh phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn thống nhất. Sẽ không tồn tại “metaverse của Facebook” và “metaverse của Microsoft” mà chỉ có một vũ trụ ảo duy nhất.
Metaverse không phải dự án của riêng Facebook
Mark Zuckerberg nỗ lực phát triển metaverse bởi anh coi đây là thế hệ tiếp theo của Internet và là một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ông chủ Facebook, các công ty khác cũng đang quan tâm về vấn đề này, bao gồm Microsoft và nhà sản xuất chip Nvidia.
Richard Kerris, phó chủ tịch phát triển Omniverse tại Nvidia cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều công ty xây dựng thế giới ảo và môi trường trong metaverse, tương tự như cách nhiều công ty đang hoạt động trên World Wide Web”.
“Bạn có thể dịch chuyển đến các không gian ảo khác nhau cho dù nó thuộc công ty nào, giống như cách tôi đổi từ trang web này sang trang web khác”.
Các công ty trò chơi điện tử cũng đang tích cực tham gia vào vũ trụ ảo. Epic Games, công ty sản xuất trò chơi được ưa chuộng Fortnite, huy động được 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư để thực hiện các kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng metaverse. Trong khi đó, nền tảng trò chơi Roblox đã vạch ra tầm nhìn về metaverse như một nơi “mọi người có thể đến với nhau trong hàng triệu trải nghiệm 3D để học hỏi, làm việc, giải trí, sáng tạo và giao lưu”.
Các thương hiệu tiêu dùng cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng. Hồi tháng 6, hãng thời trang Ý Gucci hợp tác với Roblox để bán một bộ sưu tập các phụ kiện kỹ thuật số.