Thẩm mỹ 'chui' hoành hành, chính quyền đang bất lực?
(VOVTV) - Tại TPHCM, cơ sở thẩm mỹ “chui” nở rộ như nấm, quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, thách thức cơ quan chức năng. Nhiều bác sĩ “tay ngang”, cơ sở thẩm mỹ “chui” gây ra những tai biến thậm chí là nghiêm trọng, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của khách hàng. Thế nhưng việc quản lý giám sát các cơ sở này vẫn là bài toán gây đau đầu cho các ngành chức năng.
Khổ sở vì làm đẹp
Gần 1 tuần chữa trị tại Bệnh viện Thẩm mỹ JW, Quận 1, TPHCM sau ca biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ vì bác sĩ bỏ quên gạc y tế trong ngực, nhưng chị T.T.N (43 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng. Với chị T.T.N thì quãng thời gian chịu đựng sự dày vò về thể xác sau phẫu thuật ngực ở một cơ sở thẩm mỹ không phép trên địa bàn quận 6 là ký ức đáng quên.
"Lúc uống thuốc vô xong thì nó giảm đau, nhưng sau khi hết thuốc thì nó đau, mặt cứ nóng lên hừng hừng như mình bị sốc vậy. Dịch cứ chảy hoài mà khó thở, giống như bị hành ở bên trong, rất là khó chịu, càng ngày giống như người mình đang yếu đi. Thực sự là giờ tôi rất sợ, con mình thì còn nhỏ nữa, cảm thấy rất là mệt mỏi, tâm trạng giờ giống như đang bị sa sút" - Chị T.T.N chia sẻ.
Chị T.T.N là một trong số những nạn nhân của các cơ sở thẩm mỹ không tên hoạt động lén lút trên địa bàn TPHCM. Nhưng nếu so với những người phụ nữ khác thì chị vẫn là người may mắn. Bởi, có không ít người phụ nữ đã bỏ mạng chỉ vì... làm đẹp.
Gần 1 tuần nay, ngành y tế của TPHCM phối hợp với cơ quan công an liên tục phát hiện một loạt cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn. Đấy là những cơ sở tồn tại một cách mờ ám trong các khu dân cư, nơi kinh doanh cà phê, cửa hàng quần áo… không biển hiệu, không giấy phép kinh doanh nhưng vẫn có khách hàng đến làm đẹp.
Có nơi, khi cơ quan chức năng đột kích vẫn có người đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ theo yêu cầu. Các cơ sở này đều không có giấy phép theo đúng quy định; có cơ sở thì đăng ký kinh doanh phun xăm nhưng lại thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Y tế Quận 6 cho biết, hiện nay rất nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép một cách tinh vi rất khó phát hiện; trong khi lực lượng của phòng y tế như quận 6 chỉ có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ nhưng phải gánh cả việc kiểm tra dịch bệnh, kiểm tra an toàn thực phẩm… Vậy nên, để quản lý được các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thì cần phải có cả lực lượng công an địa phương, dân quân tự vệ đến các ban ngành đoàn thể.
Chính quyền cơ sở cũng phải có trách nhiệm
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn có khoảng 1.935 cơ sở liên quan chăm sóc da, spa và 196 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép. Trong năm 2020, Thanh tra sở đã xử lý trên 40 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng, trong đó có 11 trường hợp hoạt động “chui” đã bị cho ngưng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, việc kiểm tra giám sát các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ được phân cấp. Cụ thể, các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thì do Thanh tra Sở y tế, hoặc UBND quận, huyện thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Còn các cơ sở làm đẹp thì do UBND các quận huyện, phường xã quản lý. Với các cơ sở làm đẹp được cấp phép chứng nhận thì ngành y tế của TPHCM chủ động kiểm tra.
Rõ ràng là, việc quản lý các cơ sở y tế, phòng khám về thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM đã có sự phân công rõ ràng từ cấp quận huyện đến phường xã. Nhưng không hiểu sao, những cơ sở này vẫn mặc nhiên tồn tại nếu Sở Y tế TPHCM không nhận được tin báo trực tiếp của người dân. Phải chăng, trách nhiệm phát hiện cơ sở hoạt động y tế không phép chỉ của ngành y. Vấn đề này cần làm rõ trách nhiệm từ cấp chính quyền cơ sở thì mới mong dẹp được vấn nạn cơ sở làm đẹp không phép làm hại sức khỏe người dân.
Tin nổi bật
Tin Video