Thạch An (Cao Bằng): Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
(VOVTV) - Chương trình Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Huyện Thạch An có vị trí khá thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với trung tâm thành phố Cao Bằng và các huyện trong tỉnh, lưu thông với các tỉnh bạn (Lạng Sơn, Bắc Kạn) và nước bạn Trung Quốc qua lối mở Nà Lạn - Đức Long.
Hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh gồm tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên thôn; có đường Quốc lộ 4A, 34B đi qua đây là con đường chiến lược về kinh tế - quốc phòng. Đồng thời là tuyến đường quan trọng để thông thương giao lưu kinh tế - văn hóa, xã hội với cả nước và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt ngày 10/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1212/QĐ–TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) với tổng mức đầu tư 20.939 tỷ đồng.
Là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, vì vậy Đảng bộ huyện đã xác định nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là đột phá chiến lược của nền tế, với mục tiêu đó huyện Thạch An đã chỉ đạo quy hoạch sản xuất, phát huy thế mạnh từng vùng và có kế hoạch phát triển phù hợp với từng địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hoá gắn với thị trường.
Với tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu của huyện Thạch An phù hợp cho phát triển một số cây nông nghiệp có đặc tính riêng biệt so với các địa phương khác, và có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho nhân dân như cây thạch đen, cây lê vàng, cây hồi, cây quế, bí hương…(ngoài các cây truyền thống như ngô, lúa, lạc…) đặc biệt là cây thạch đen.
Cây thạch đen là cây có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An và là cây trồng được nhiều hộ dân lựa chọn để thoát nghèo, các sản phẩm từ cây Thạch đen của huyện Thạch An được nhiều người biết đến với hương vị đặc biệt thơm ngon, giòn, thơm mát, có tác dụng giải nhiệt mát gan, làm đẹp da và có nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe con người...là sản phẩm thạch nổi tiếng của địa phương. Do vậy, thị trường Thạch đen của huyện đang được cộng đồng người tiêu dùng quan tâm và có xu hướng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, việc đưa các sản phẩm thạch đen thành phẩm (thạch đen chế biến sẵn) đưa vào các siêu thị, thông qua các tổ chức, các đơn vị sản xuất trên địa bàn là vô cùng cần thiết.
Phát huy lợi thế cũng như giá trị của cây Thạch đen, UBND huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã tuyên truyền, vận động người dân tăng diện tích sản xuất. Năm 2021 diện tích là 492 ha đến năm 2022 là 534 ha được trồng chủ yếu ở các xã như Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng... sản lượng đạt 2.500 tấn/năm với giá trung bình khoảng 40.000đ/kg, giá trị kinh tế đem lại cho nhân dân khoảng 80 - 100 tỷ đồng/năm.
Thị trường tiêu thụ Thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, thị trường trong nước cũng có một số doang nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân thu về để chế biến Thạch đen thành phẩm đóng hộp xuất cho một số tỉnh miền xuôi, bình quân mùa cao điểm mỗi ngày sản xuất khoảng 3.000 hộp.
Thực hiện Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu ngành hàng thạch đen theo chính ngạch tại các cửa khẩu. Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi và Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp đến huyện để triển khai 25 lớp tập huấn, hướng dẫn cho người sản xuất và chế biến thạch đen trên địa bàn huyện về yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu, đồng thời rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng cho cây thạch đen, đến nay cây thạch đen của huyện Thạch An đã được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp 189 mã vùng trồng, với tổng diện tích trên 600ha, với khoảng 3.000 hộ trồng.
Năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định số 105683/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thạch đen - Thạch An, cho các sản phẩm liên quan đến thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Nhãn hiệu chứng nhận được công nhận và bảo hộ đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và chế biến thạch đen trên địa bàn được sử dụng tam nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và người sử dụng cũng tin tưởng và yên tâm khi sử dụng sản phẩm thạch đen Thạch An.
Trên cơ sở đó, năm 2021 Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Văn bản số 846/UBND-NN&PTNT để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chế biến thạch đen lập hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, đến nay đã có 9 chủ thể chế biến sản phẩm từ cây thạch đen được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
Ngoài ra, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Đức Xuân, Lê Lợi, Đức Long, Thụy Hùng, Lê Lai, thị trấn Đông Khê, Vân Trình, Thái Cường, với diện tích khoảng 2.800 ha chỉ tính riêng sản lượng năm 2022 đã cho thu hoạch khoảng 3.200 tấn, với giá trung bình khoảng 30.000đ - 35.000đ/kg, giá trị kinh tế đem lại cho nhân dân khoảng 120 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, UBND huyện Thạch An cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây quế, lê vàng, bí hương... Để góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Thạch An phù hợp cho phát triển một số cây nông nghiệp có đặc tính riêng biệt so với các địa phương khác, đây là lợi thế để huyện tập trung phát triển các cây trồng đặc hữu thành hàng hóa phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các cơ quan, ban ngành của tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các tiến bộ công nghệ KHKT, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ KTKT vào sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ giúp nhân dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Tin nổi bật
Tin Video