Tết trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19
(VOVTV) - Không khí Tết đang rộn rã, len lỏi trong qua từng ngõ nhỏ, gõ cửa từng gia đình. Trong các bệnh viện, khu điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế vẫn miệt mài với công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân, chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch.
Một trong 4 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Kiến An, cũng là khu điều trị, chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 nặng nhất. Hai bác sĩ hồi sức tích cực và 8 điều dưỡng trong khu hàng ngày đều bị cuốn đi trong guồng quay công việc, từ điều trị thuốc, phục hồi chức năng, tư vấn, chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đến những ca cấp cứu bệnh nhân nguy kịch...
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Công Hải, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Kiến An chia sẻ, cường độ công việc trong những ngày Tết thậm chí còn cao hơn, nhiều hơn so với ngày thường: "Tết đến, ai cũng muốn được sum họp, quây tụ với gia đình. Tuy vậy, vì công việc, vì trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi vẫn ở đây túc trực và điều trị các bệnh nhân COVID-19, không phân biệt ngày lễ, ngày tết và cường độ công việc của chúng tôi cũng không giảm. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây gần như làm việc với công suất trên 100% trong tất cả các kíp trực thì mới đảm bảo được chuyên môn, được chất lượng điều trị cho bệnh nhân".
Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng) hiện điều trị khoảng 180 bệnh nhân COVID-19, chủ yếu là các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có bệnh lý nền. Tết Nhâm Dần năm nay, 12 bác sĩ, 60 điều dưỡng trong các khu điều trị F0 của bệnh viện tạm gác công việc gia đình, ở lại điều trị, chăm sóc và đón Tết cùng các bệnh nhân.
Như những ngày thường, mỗi ngày trong dịp Tết, các nhân viên y tế vẫn chia thành 3 kíp vào khu điều trị để chăm sóc bệnh nhân. Mỗi kíp kéo dài từ 7 đến 10 tiếng đồng hồ; các bác sĩ, điều dưỡng làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ.
Điều dưỡng Vũ Hải Yến công tác tại Bệnh viện Kiến An đã 10 năm nhưng có lẽ Tết năm nay là cái Tết đáng nhớ nhất đối với chị: "Tôi vào đây đến nay là 10 năm rồi, đến 8 năm trực 30 Tết ở viện. Năm nay cũng ở lại ăn tết với bệnh nhân, tôi thấy cũng bình thường chỉ thấy hơi buồn cho bệnh nhân thôi, vì năm nay nhiều bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Cũng chỉ động viên bệnh nhân cố gắng ở lại điều trị ăn uống, vui vẻ, vài hôm khỏe mạnh rồi ra viện. Công việc liên tục như vậy, nên cứ mải làm thôi, thành ra cũng không biết hôm nay là bao nhiêu Tết nữa".
Ở trong bệnh viện, tận mắt chứng kiến những pha cấp cứu nguy kịch, những phút giây giành giật sự sống cho bệnh nhân mới hiểu hết sự vất vả của các nhân viên y tế. Chị Bùi Thị Kim ở phường Ngọc Sơn, quận Kiến An (Hải Phòng), một bệnh nhân COVID-19 đang chăm sóc bố mẹ cũng là F0 tại Khoa truyền nhiễm 3, Bệnh viện Kiến An không giấu được xúc động khi kể về “cuộc lội ngược dòng” kỳ diệu của bố chị, một bệnh nhân 89 tuổi, với bệnh nền ung thư dạ dày, suy tim độ 3, tràn dịch màng phổi. Khi đưa ông vào bệnh viện, mọi người trong gia đình chị Kim đã “chuẩn bị tinh thần” nhưng nhờ sự chăm sóc của các y bác sĩ, bố chị đã được cứu sống kỳ diệu.
Giữa những bộn bề và hối hả của công việc, chợt thấy cành đào cắm vội, mọi người mới nhớ Tết đã về. Để động viên các y bác sĩ, Ban giám đốc và Công đoàn Bệnh viện cố gắng chuẩn bị một cái Tết đủ đầy nhất ngay tại khu điều trị F0. Bữa cơm tất niên tranh thủ nhưng ấm cúng. Những ngày Tết, suất ăn của y bác sĩ, chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân cũng được bổ sung, với sự hỗ trợ của TP Hải Phòng và bệnh viện.
Sau những lời chúc mừng năm mới vội vàng, các nhân viên y tế lại trở về với công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân; những cuộc họp với lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng, với các tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 thậm chí diễn ra xuyên Tết.
BS chuyên khoa II Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Kiến An kể: "Anh em ở trong đấy tinh thần rất đáng khen ngợi. Chúng tôi trong Ban giám đốc, ban chỉ đạo, gần như là các buổi chiều đều bố trí giao ban, hội chẩn với các khoa truyền nhiễm, thống nhất liên quan đến chẩn đoán, phác đồ điều trị, tiên lượng.... Buổi tối, 20h tối, chúng tôi giao ban trực tuyến với Sở Y tế. Ngày Tết cũng vậy.
Đối với các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện là nhà, đón Tết trong bệnh viện rất đỗi bình thường. Mỗi bệnh nhân COVID-19 nặng được cứu sống qua cơn nguy kịch, mỗi khi bệnh nhân được khỏi bệnh, xuất viện – đó chính là mùa Xuân, là niềm vui và hạnh phúc của những chiến binh áo bluse trắng.
Tin nổi bật
Tin Video