Tết sớm tại Trường Sa: Ấm áp và đặc biệt
(VOVTV) - Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mùa xuân năm nào cũng đến sớm hơn thường lệ, đó là khi các chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân chở các mặt hàng hóa Tết ra tới 21 điểm đảo và 33 điểm đóng quân. Tàu ra, Trường Sa vào Tết – thật đúng như vậy. Tết Trường Sa đến sớm hơn nhưng rất đủ đầy và cũng có những nét rất riêng, độc đáo.
Vượt hàng trăm hải lý mùa biển động, những mặt hàng Tết đến với Trường Sa, mang theo cả hơi thở của mùa xuân, cùng tấm chân tình mà đất liền gửi gắm. Nhận được những cây quất, cành mai, những con lợn sống, những tấm lá dong xanh mướt, những bịch gạo nếp, đỗ xanh được gói gém cẩn thận,… cũng là lúc Tết về với cán bộ, chiến sĩ và quân dân Trường Sa.
Không khí Tết bắt đầu rộn ràng khi quân dân trên đảo cùng tổng dọn vệ sinh trong tiếng chuyện trò rộn rã. Những căn nhà được quét lại sơn trắng, công trình thanh niên, cây xanh được sửa sang làm đẹp. Một số đảo còn tỉ mẩn làm tờ báo tường “Mùa Xuân biển đảo” để “phát hành” trong đêm giao thừa.
Nhưng vui nhất, không khí Tết nhất, vẫn là hoạt động gói bánh chưng chan chứa tình quân dân tại các đảo. Gạo nếp được các chiến sĩ dậy sớm, ngâm từ sáng, những lá dong được bộ đội và người dân cùng nhau rửa cẩn thận, những chiếc lá bàng vuông được hái xuống; một nhóm cán bộ chiến sĩ khác vào chuồng bắt heo, mổ lấy thịt. Những đứa trẻ trên đảo cũng xúm lại, đông vui.
Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở đảo Song Tử Tây tâm sự: “Được gói bánh chưng với các chú bộ đội trên đảo, tôi cảm thấy rất phấn khởi, vui; cảm thấy không khí tết ấm áp và đầy đủ. Trong quá trình gói bánh chưng, các chú bộ đội hướng dẫn các cháu nhỏ cách gói bánh và Tết cổ truyền để các cháu hiểu hơn về tết cổ truyền và cách gói bánh ngày xưa do cha ông truyền lại”.
Bánh chưng Trường Sa đầy đủ hương vị của đất liền. Tuy nhiên, bộ đội, người dân, mỗi vùng miền một cách gói khác nhau, khiến nồi bánh chưng cũng rất đặc biệt. Nhất là những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông mang một nét riêng, đậm vị mặn mòi của biển cả, nắng gió nơi đảo xa.
Rồi những cây quất, cành mai được trang trí với những phong bao lì xì đỏ chói, dây kim tuyến nhiều màu cùng ánh điện nhấp nháy. Mân ngũ quả của đêm giao thừa cũng được bày biện cẩn thận, với những nét rất riêng, là đu đủ, dừa, chuối, là dứa biển và quả tra.
Đêm giao thừa bắt đầu bằng những lời ca, tiếng hát. Những tiết mục văn nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng của quân và dân trên đảo được trình diễn trong tiếng vỗ tay, reo hò. Những tiết mục hái hoa dân chủ đầy thú vị trong sự háo hức tham gia của mọi người.
Dù xa nhà, nhưng được đón Tết ở Trường Sa là niềm tự hào trong tình quân dân, nghĩa đồng đội, anh em. Một cái Tết đủ đầy, sung túc, vui tươi đã làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà của những chiến sĩ, tuổi đời còn trẻ hay đã nhiều lần đón năm mới nơi đảo xa.
“Vui tết, không quên nhiệm vụ” – Đó là trọng trách thiêng liêng của người lính đảo. Như những năm trước, Tết Trường Sa có điểm khác với đất liền, là không có rượu bia, không khói thuốc lá. Họ chúc mừng Tết bằng những lời hát, những cốc nước ngọt chạm nhau trong mân cơm quây quần, cùng vui chơi những trò chơi dân gian trong những ngày xuân đầu năm. Tết Trường Sa lúc nào cũng đặc biệt. Để có được thành quả ấy, là bao quyết tâm, cố gắng các cấp chính quyền để Trường Sa luôn vững vàng, xứng đáng là nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Một số hình ảnh đón Tết tại Trường Sa: