Tin tức

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào?

Tết Đoan Ngọ (5 tháng 5 âm lịch) ở Việt Nam còn gọi là Tết Giết sâu bọ, có nhiều khác biệt trong phong tục cúng Tết Đoan ngọ ở các vùng miền trên khắp đất nước.

14/06/2021 11:21

Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch thuộc một trong những giai đoạn nóng nhất trong năm, các loại côn trùng và mầm bệnh sinh sôi nảy nở, gây hại cho mùa màng. Theo truyền thuyết, vào ngày này, được sự hướng dẫn của ông lão Đôi Truân, người dân đã dùng các món ăn dân dã như bánh tro, trái cây để tiêu trừ thành công những loài gây hại đó, dần dần hình thành truyền thống giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan ngọ 5/5.

Không chỉ Việt Nam, người dân các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ăn mừng Tết Đoan ngọ, tuy nhiên câu chuyện về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như cách thức tổ chức ở mỗi nơi mỗi khác. Còn ở Việt Nam, cách cúng, ăn Tết Đoan ngọ cũng có nhiều điểm khác nhau ở 3 miền.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 1.

Phong tục cúng Tết Đoan Ngọ ở mỗi vùng miền trên khắp đất nước lại có những điều khác biệt

Mâm cúng Tết Đoan ngọ ở 3 miền

Vào ngày 5/5 âm lịch - Tết Đoan ngọ, các gia đình thường chuẩn bị mâm đồ nguội để cúng bái tổ tiên rồi sẽ ăn để bảo vệ sức khỏe. Miền Bắc thường có quả dưa hấu, bánh gio trên bàn cúng; từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt. Người dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Trong khi đó, người nông dân miền Nam thường đúc bánh lọt, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn.

Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở khắp 3 miền là rượu nếp (cơm rượu) và trái cây.

Cơm rượu nếp

Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh trong cơ thể.

Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 2.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ thường có rượu nếp

Trái cây

Tết Giết sâu bọ không thể thiếu trái cây, chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng, tươi ngon và có vị chua, ngọt như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Đặc biệt, ở miền Bắc 2 loại quả phổ biết nhất là mận, vải.

Món ăn Tết Đoan ngọ ở miền Bắc

Bánh gio chấm mật

Dù xuất hiện ở cả ba miền, bánh gio (tro) ở miền Bắc đặc biệt hơn khi được chấm cùng mật mía ngọt ngào. Bánh được làm bằng cách ngâm nếp trong nước tro đốt từ rơm, sau đó gói, luộc.

Những chiếc bánh có màu nâu vàng trong suốt, vị bánh có chút ngai ngái và vương mùi tro đặc trưng. Bánh chấm cùng mật mía, khi cho vào miệng sẽ cảm nhận sự ngọt ngào thanh mát, rất phù hợp cho ngày nắng nóng.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 3.

Bánh gio có mặt trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ của nhiều gia đình

Bánh khúc người Nùng

Là loại bánh đặc sản của người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai, bánh khúc đã dần phổ biến rộng khắp miền Bắc bởi hương vị thơm ngon và màu sắc đẹp mắt của chúng.

Nếp được lựa chọn thật kỹ, giã cùng lá khúc cho đến khi nhuyễn mịn rồi vo tròn. Lớp nếp xanh bên ngoài sẽ bọc lấy nhân đậu xanh giã, hành phi, mè đen hoà quyện với nhau bên trong. Bánh có thể được hấp hoặc chiên tuỳ theo khẩu vị từng gia đình.

Dù là kiểu chế biến nào, bánh khúc đều giữ được vị thơm ngon, béo bùi và màu xanh sẫm mướt mắt khiến ai nhìn thấy cũng đều muốn ăn.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 4.

Bánh khúc người Nùng

Món ăn Tết Đoan ngọ ở miền Trung

Thịt vịt

Những món ăn gắn với các dịp lễ đều mang ý nghĩa quan trọng, thịt vịt trong Tết Đoan ngọ ở miền Trung cũng không là ngoại lệ.

Đây là dịp tiết trời dần oi bức và nóng nực, thịt vịt có tính hàn sẽ giúp cơ thể cân bằng lại. Đầu tháng 5 âm lịch cũng là lúc  những chú vịt béo ú, thịt ngon mềm và không bị hôi. Cách chế biến đa dạng như cháo vịt, vịt quay, vịt nướng...

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 5.

Chè kê

Là một trong những loại thực dưỡng, hạt kê được người miền Trung ưu ái chế biến thành món chè kê thanh mát, bổ dưỡng dành riêng cho ngày Tết Đoan ngọ.

Chè kê với phần nước đường có gừng rất ấm và mang vị ngọt thanh, được ăn cùng bánh tráng vừng. Bạn có thể dùng hẳn bánh tráng để múc chè, bánh tráng sẽ nhanh chóng mềm tan ra trong miệng, hoà quyện cùng vị chè ngọt dịu vô cùng hấp dẫn.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 6.

Món ăn Tết Đoan Ngọ ở miền Nam

Bánh ú nước tro

Là phiên bản Nam bộ của bánh gio miền Bắc, bánh ú nước tro nhỏ nhắn, xinh xắn với hình chóp ngộ nghĩnh. Bánh được gói trong một lớp lá, thường là lá tre hoặc lá chuối, phần nếp có màu nâu vàng rất đẹp, nhân là đậu xanh giã nhuyễn bùi, béo, ngọt nhẹ.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 7.

Chè trôi nước

Không chỉ xuất hiện vào dịp 23 tháng Chạp, chè trôi nước còn được người miền Nam làm và thưởng thức trong ngày Tết Đoan ngọ.

Tết Đoan ngọ ở 3 miền khác nhau thế nào? - Ảnh 8.

Những viên chè được vo thật tròn trong lòng bàn tay, bên ngoài là bột nếp, bên trong là đậu xanh đơn giản, được ăn cùng với nước đường và gừng giã nhuyễn, nước cốt dừa sánh và béo, đậu phộng rang đập dập bùi bùi hoặc một ít mè rang thơm lừng.

Ý kiến của bạn