Tây Ninh có nhiều lợi thế về công tác bảo vệ môi trường
(VOVTV) - Tây Ninh là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với các nước láng giềng Campuchia, Thái Lan…Tây Ninh cũng là tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong bảo vệ môi trường, Tây Ninh được đánh giá là có nhiều lợi thế.
Phát huy lợi thế và khắc phục hạn chế
Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,45 tỷ mét khối và 1.053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000km đã phát huy hiệu quả trong cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp.
Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh này ngày càng phát triển vững chắc, đã xây dựng hệ thống các nhà máy chế biến nông sản tại các vùng chuyên canh như: các nhà máy đường, các nhà máy chế biến bột củ mì, các nhà máy chế biến mủ cao su, từng bước xây dựng các khu công nghiệp trong tỉnh. Hạt nhân công nghiệp của tỉnh là các khu công nghiệp tập trung, trong đó Khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tây Ninh có nhiều lợi thế nhờ vị trí địa chính trị chiến lược để trở thành cửa ngõ giao thương, kết nối quốc tế quan trọng của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và Vùng TP. Hồ Chí Minh, có được kết nối thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu, vận tải logistics.
Hệ sinh thái rừng Tây Ninh có tính đa dạng sinh học cao với đại diện là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, các khu rừng đặc dụng khác và hệ thống rừng phòng hộ, các hệ sinh thái trên cạn và đất ngập nước đặc trưng cho vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Tỷ lệ che phủ rừng của Tây Ninh đến năm 2020 là 16,3%, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam bộ (sau Đồng Nai với 29% và Bình Phước 23,1%).
Do đó, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các hình thức du lịch sinh thái gắn với bảo tồn hướng đến nền kinh tế xanh trong tương lai. Về đa dạng thành phần loài, các loài động thực vật rừng Tây Ninh có mức độ phong phú cao, nhiều loài quý hiếm, đặc hữu.
Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số chỉ số về môi trường cần nâng lên như: tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Chỉ số thành phần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường…
Bên cạnh đó, bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Tây Ninh còn nhiều thách thức, biến đổi khí hậu có thể ngày càng nghiêm trọng, nạn lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp…là những hạn chế cần phải khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường.
Nước thải từ nhiều khu dân cư mới chỉ được xử lý sơ bộ qua hầm tự hoại hoặc thải trực tiếp ra sông suối, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Rác thải từ hoạt động nông nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để, , đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đất trồng mì, mía, cao su... sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón với nhiều chủng loại khác nhau, các chế phẩm sinh học còn hạn chế nên đã gây tác hại không nhỏ cho đa dạng sinh học. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn còn hạn chế gây ảnh hưởng tới cảnh quan và nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Thực hiện bảo vệ môi trường theo chiến lược quốc gia
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện nay kế hoạch ngày đã được các ban ngành, địa phương của tỉnh tích cực triển khai thực hiện.
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu chủ động phòng ngừa, kiểm soát được các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Tây Ninh tiếp tục chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và các sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời giải quyết và không để phát sinh các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, góp phần bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hoá; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao chất lượng rừng.
Đến năm 2050, Tây Ninh có môi trường đạt chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.
Các giải pháp được Tây Ninh đề ra là: chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phát sinh nguồn thải lớn.
Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái; khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu; hạn chế tối đa những định hướng phát triển gây hại đến môi trường; phát triển các mô hình khu dân cư, tuyến đường... kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp (lồng ghép trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới).
Đồng thời, tỉnh khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế; thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học và các loại kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản… thực hiện nghiêm khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm giảm xung đột giữa mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội….
Hiện ở Tây Ninh, ngày càng có thêm các mô hình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn./.
Tin nổi bật
Tin Video