Tàu thám hiểm của Ấn Độ bắt đầu hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng
(VOVTV) - Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) ngày 24/8 cho biết, tàu thám hiểm Pragyaan đã rời khỏi module đổ bộ Vikrant, bắt đầu hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng.
Trước đó vào tối 23/8, module đổ bộ Vikrant đã hạ cánh thành công lên bề mặt cực Nam của Mặt Trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đạt được kỳ tích này. Tàu thám hiểm Pragyaan sẽ hoạt động trong một ngày theo lịch Mặt Trăng, tương đương 14 ngày trên Trái Đất, để thực hiện các thí nghiệm trên bề mặt Mặt Trăng.
Theo Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), ông S. Somanath, tàu thám hiểm Pragyaan mang theo hai thiết bị, gồm Máy quang phổ phân hủy cảm ứng bằng laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) và sẽ thực hiện 2 thí nghiệm quan trọng.
Mục tiêu của LIBS là tiến hành phân tích nguyên tố định tính và định lượng, đồng thời xác định thành phần hóa học và khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng. Trong khi, APXS sẽ xác định thành phần nguyên tố của đất và đá trên Mặt Trăng xung quanh địa điểm hạ cánh.
ISRO cho biết, việc triển khai tàu thám hiểm Pragyaan để thực hiện các thí nghiệm khoa học tại chỗ sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng. Đây được coi là cơ hội đầu tiên để khám phá khả năng tồn tại nước, yếu tố quan trọng trong các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng trong tương lai.