Tàu thăm dò của NASA tìm được gì sau một tháng trên Sao Hỏa?
Tàu thăm dò Perseverance của NASA chưa tìm thấy dấu hiệu sự sống cổ xưa nhưng các mẫu đá được thu thập tại khu vực tàu đáp xuống trên Sao Hỏa cho thấy có dấu vết của gió và nước.
Theo trang Nature.com, tàu thăm dò Perseverance đã có tháng đầu tiên bận rộn trên bề mặt Sao Hỏa. Từ miệng núi lửa Jezero, điểm hạ cánh ngày 18/2, tàu Perseverance đang làm các công việc liên quan địa chất, chụp ảnh khu vực xung quanh và phân tích mẫu đá gần đó.
Các nhà khoa học Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác định được rằng một số mẫu đá có đặc điểm hóa học giống với đá núi lửa trên Trái Đất và một số mẫu đã bị gió và nước bào mòn.
Ông Kenneth Farley, nhà hóa học địa chất tại Viện Công nghệ California ở Pasadena và là nhà khoa học tham gia sứ mệnh, cho biết tới nay, mọi thứ đều tuyệt vời. Ông đã nói về những tiến triển mà tàu thăm dò đạt được trong họp báo trực tuyến ngày 16/3.
Theo kế hoạch, phải vài tháng nữa tàu thăm dò mới thực hiện các thí nghiệm khoa học chính. Hiện tại, các kỹ sư tiếp tục thử các thiết bị khoa học và chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trên Sao Hỏa của trực thăng mà tàu mang theo. Sau đó, tàu sẽ triển khai một loạt công cụ gồm đầu khoan, camera chụp gần và nhiều cảm biến hóa học để tìm dấu hiệu sự sống cổ xưa trong đá Sao Hỏa.
Trong khi đó, các nhà khoa học sẽ vạch kế hoạch di chuyển cho tàu thăm dò từ khu vực hạ cánh tới vách đá cao 40 mét của vùng châu thổ sông cổ xưa.
Vùng này hình thành cách đây hàng tỷ năm khi một con sông chảy trên Sao Hỏa. Đây sẽ là khu vực lý tưởng cho sự sống vi sinh cổ xưa nếu nó tồn tại.
Tuy nhiên, có một đụn cát nguy hiểm nằm giữa tàu Perseverance và vùng châu thổ mà tàu không vượt qua được. Các nhà nghiên cứu đang bàn xem tàu nên đi theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ quanh đụn cát. Phương án thứ hai sẽ ngắn hơn, còn phương án đầu lại giúp tàu đi qua nhiều khu vực có nhiều loại đá thú vị hơn.
Sớm nhất phải tháng 6 tàu thăm dò mới thực hiện một trong hai phương án di chuyển trên.
Trước đó, tàu sẽ phải di chuyển tới vị trí phù hợp để thử trực thăng Ingenuity. Địa điểm sẽ là một khu vực nhiều đá, cách không quá xa vị trí hiện tại. Ở đây, tàu sẽ hạ trực thăng từ bụng, di chuyển ra xa trực thăng để an toàn và quay video khi trực thăng bay lên bầu trời Sao Hỏa. Ông Jim Bell, nhà khoa học trong nhóm camera của tàu thăm dò cho biết họ rất mong chờ khoảnh khắc lịch sử này. Trực thăng sẽ bay thử trước vì nó sẽ bay cùng tàu thăm dò để giúp tàu định vị đường đi trên Sao Hỏa. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên của trực thăng sẽ diễn ra sau vài tuần nữa.
Trong lúc đó, các nhà khoa học đang khám phá đá quanh khu vực hạ cánh của tàu thăm dò.
Ngay khu vực quanh tàu là đá màu nhạt, nhô lên từ nền đất đen. Tàu đã sử dụng thiết bị laser để xác định vài mẫu đá, trong đó có hai mẫu mà nhóm nhà khoa học đặt tên là Maaz và Yeegho. Mẫu này có tính chất hóa học giống đá bazan trên Trái Đất.
Thiết bị này bắn laser vào đá để làm nó bốc hơi các phần nhỏ để nghiên cứu thành phần hóa học. Thông qua đó, các nhà khoa học thấy rằng các khoáng chất trong đá Yeegho có dấu hiệu của nước. Phát hiện này khớp với những gì mà họ đoán trước về khu vực Jezero.
Nhiều mẫu đá quanh khu vực hạ cánh dường như được gió mạnh định hình. Gió dường như đã tác động vào đá từ hướng tây bắc, giống những gì mà các nhà khoa học suy đoán dựa trên mô hình.
Một mẫu đá tối màu dường như không phải bị gió bào mòn mà là nước. Điều này cho thấy đá có thể bị nước cuốn theo khi chảy vào Jerezo.
Sau khi bay thử trực thăng và trước khi tàu thăm dò khởi hành tìm kiếm dữ liệu, tàu có thể sẽ khoan để lấy mẫu đá đầu tiên trong khu vực Jerezo. Các nhà khoa học chưa xác định liệu đá này có phải đá núi lửa không nhưng nếu đúng như vậy, thông tin này có thể giúp xác định tuổi của thềm miệng núi lửa.
Trong sứ mệnh, tàu sẽ thu thập khoảng 30 ống đất và đá trên Sao Hỏa, rải chúng xuống bề mặt Sao Hỏa để tương lai có thể gom và đưa về Trái Đất phân tích. Dự kiến phải tới năm 2031 mới có sứ mệnh này. Đó sẽ là mẫu vật đầu tiên được đưa về từ Sao Hỏa.
Tin nổi bật
Tin Video