Tàu khách hoạt động trở lại thế nào từ hôm nay (1/10)?
Tàu khách được phép hoạt động trở lại từ hôm nay (1/10), hành khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.
Ga đường sắt được phép hoạt động ở vùng đỏ để tiếp nhận hành khách
Theo hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) vừa được Bộ GTVT ban hành hôm qua (30/9), vận tải hành khách bằng đường sắt được phép hoạt động trở lại từ hôm nay (1/10).
Bộ GTVT đưa 4 cấp độ nguy cơ để áp dụng tổ chức chạy tàu khách. Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo kế hoạch, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Đối với các địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường sắt được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): Được hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga đường sắt (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt VN quyết định áp dụng thực hiện số đôi tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình.
Đối với người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách, Bộ GTVT quy định phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời phải đáp ứng quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3): Phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần); Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): Phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Hành khách phải có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ
Kế hoạch tổ chức lại hoạt động vận tải của Bộ GTVT đưa ra yêu cầu cụ thể đối với hành khách đi tàu.
Theo đó, đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường sắt phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Tại các nhà ga đường sắt, Bộ GTVT yêu cầu bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; Tổ chức điểm xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.
Trường hợp phát hiện lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.”
Bộ GTVT cũng quy định các biện pháp phòng dịch đối với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu. Ngoài tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) trong các trường hợp cụ thể: Khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3): Phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): Phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Trên tàu, phải tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt, khu vực tiếp xúc nhiều của phương tiện (như: Buồng lái, khoang hành khách, ghế ngồi, khu vực vệ sinh...), trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế.
Đồng thời, bố trí khu vực riêng cho hành khách nghi nhiễm để tạm thời cách ly hành khách trên tàu tại một vị trí nhất định phù hợp với tình hình thực tế trên tàu.
Tin nổi bật
Tin Video