Tàu chở hàng Thiên Chu-2 tự động cập bến thành công trạm vũ trụ mới trong chưa đầy 8 tiếng
(VOVTV) - Ngày 30/5, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu 2 (Tianzhou-2) của nước này đã tự động cập bến trạm vũ trụ mới mang theo nhiên liệu và vật tư cho phi hành đoàn tương lai trên trạm vũ trụ.
Chương trình vũ trụ Trung Quốc đã chứng kiến bước đột phá khi tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-2 cập trạm trung chuyển và tự động cập bến rất nhanh với module lõi trạm vũ trụ Thiên Hòa.
Chưa đầy 8 giờ để làm nên kì tích
So với tàu Thiên Chu-2 cập bến trung chuyển và tàu Thiên Cung-2 cập bến vào năm 2017 phải mất 2 ngày, thì lần phóng này, tàu Thiên Chu-2 chỉ mất gần 8 giờ đống hồ để đạt được kỳ tích.
Tàu Thiên Chu-2 có nhiệm vụ cung cấp hàng hóa, thiết bị và nhiên liệu phóng cho module Thiên Hòa mới được phóng lên tháng 4 vừa qua. Trước đó, theo kế hoạch, tàu vũ trụ này được phóng vào ngày 19/5, song đã hoãn lại vì lý do kỹ thuật.
Trung Quốc đang dần đẩy mạnh chương trình không gian với nhiều sứ mệnh được thực hiện đồng thời. Nước này đã phóng thành công module lõi không gian Thiên Hòa hôm 29/4, hạ cánh lịch sử xuống sao Hỏa vào đầu tháng 5 phóng thành công tàu Thiên Chu-2 ngày 29/5.
Sau khi Thiên Chu -2 cập bến Thiên Hòa, tàu vũ trụ chở theo phi hành đoàn Thần Châu-12 đã bắt đầu chuẩn bị đếm ngược để phóng. Ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-12 sẽ ở trên quỹ đạo trong ba tháng.
Áp dụng công nghệ phát triển đặc biệt lên tàu vũ trụ
Theo chuyên gia, các công nghệ phát triển đặc biệt đã được áp dụng ở cả lớp bên ngoài và hệ thống bên trong của tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-2, để nó có thể thực hiện các nhiệm vụ một cách an toàn trong không gian.
Vỏ ngoài của mỗi 1 module của Thiên Chu-2 được sơn một màu riêng tùy theo nhu cầu sử dụng. Module đẩy có màu trắng vì nó tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời nhất khi tàu vũ trụ chở hàng di chuyển về phía trạm vũ trụ. Lớp màu trắng này được dùng để kiểm soát nhiệt độ và cải thiện hiệu ứng phản chiếu. Khoang hàng sơn lớp ngoài tối màu, giúp giữ cho nó ở nhiệt độ thích hợp.
Ngoài ra, các thiết kế khác nhau đã được sử dụng cho các bộ phận quan trọng của Thiên Chu-2. Ví dụ, một lớp bên ngoài chịu nhiệt đặc biệt đã được đặt xung quanh động cơ.
Theo ông Li Zhihui, Phó chỉ huy trưởng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-2, Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, cần những tấm chắn chịu nhiệt này bởi động cơ điều khiển quỹ đạo và động cơ kiểm soát sẽ phun lửa, bắn ra tia lửa. Các tấm chắn sẽ ngăn khói nóng bay ngược lại và đốt cháy tàu.
Có rất nhiều mảnh vỡ trong không gian, chúng chuyển động với tốc độ cao. Một khi va vào tàu vũ trụ, chúng sẽ gây ra thiệt hại. Do đó, vỏ tàu Thiên Chu-2 không chỉ phải cách nhiệt mà còn phải chống được "đạn".
Tàu Thiên Chu-2 là tàu chở hàng. Các phi hành gia sẽ chỉ vào trong con tàu này để lấy hàng và không lưu lại lâu, nhưng tàu cũng đã được nâng cấp kỹ thuật để mang lại một môi trường thoải mái hơn cho họ.
Để đảm bảo thực phẩm và thiết bị thí nghiệm luôn trong tình trạng tốt nhất, nhiệt độ trong khoang tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-2 được giữ trong khoảng 10-23 độ C. Để làm được điều này, các nhà phát triển đã thiết lập các chức năng như lưu thông quạt tự động, kiểm soát nhiệt độ và sưởi ấm trong cabin.
Trước đó, vào lúc 20h55 ngày 29/5 (tức 19h55 cùng ngày, giờ Việt Nam), Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-2 vào quỹ đạo Trái đất. Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA), tên lửa Trường Chinh-7 đã được phóng từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương, ở bờ biển phía Nam tỉnh Hải Nam, mang theo tàu chở hàng Thiên Chu-2.
Dự kiến, đến năm 2022 Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài. Thiên Cung sẽ hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái đất và ở độ cao từ 340-450 km so với mặt đất. Đây là trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc hoạt động dài ngày trên quỹ đạo địa tĩnh./.
Tin nổi bật
Tin Video