Tàu cá Trung Quốc tận diệt hàng nghìn tấn hải sản ở vùng biển nước ngoài
Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc đã tiến hành đánh bắt ồ ạt, đe dọa hệ sinh thái của vùng biển Ecuador.
Theo Guardian, gần 250 tàu cá, trong đó có 243 tàu mang cờ Trung Quốc, đánh bắt suốt 73.000 giờ mỗi tháng và vơ vét hàng nghìn tấn mực và cá tại vùng biển xung quanh quần đảo Galapagos thuộc Ecuador. Trong số các tàu Trung Quốc, có nhiều tàu đánh bắt cỡ lớn và tàu có thùng chứa đông lạnh.
Quần đảo Galapagos, nơi cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km, là khu vực có nhiều loài sinh vật hiếm, bao gồm rùa khổng lồ. Galapagos cũng là nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1978.
Đội tàu hùng hậu của Trung Quốc chủ yếu đánh bắt mực, loại thức ăn cần thiết của hải cẩu lông Galapagos, và cá mập đầu búa đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, các tàu Trung Quốc cũng tập trung đánh bắt các loại cá để kinh doanh thương mại như cá ngừ và cá bạc má. Đây là các loại cá đóng góp vào nền kinh tế địa phương.
Báo cáo của nhóm bảo tồn biển Oceana cũng phát hiện một số tàu Trung Quốc tham gia vào các hoạt động trung chuyển khả nghi, có thể nhằm tạo điều kiện cho các hành vi đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Tàu cá Trung Quốc còn bị "tố" xâm phạm quyền tài phán trên biển, sử dụng giấy tờ đánh bắt và cấp phép giả, cưỡng ép lao động trên tàu.
Trung Quốc hiện đứng thấp nhất thế giới trên bảng xếp hạng theo thang chỉ số đánh bắt của IUU năm 2019. Trung Quốc cũng là nước có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới với gần 17.000 tàu, trong đó có 1.000 tàu đăng ký ở nước ngoài.
Các nhà bảo tồn đã cảnh báo về tình trạng khai thác quá mức ở vùng biển Galapagos. Họ cho rằng sức ép chưa từng có tiền lệ từ hoạt động đánh bắt ồ ạt cá mập và các loài sinh vật khác đã đe dọa hệ sinh thái biển tại quần đảo nổi tiếng thế giới này.
Những lo ngại của các nhà bảo tồn đã dẫn đến một đề xuất: mở rộng khu bảo tồn biển Galapagos, bao quanh quần đảo từ phía bắc, đông và nam. Tổng thống Ecuador Lenín Moreno cho biết đề xuất này dựa trên "cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với việc bảo tồn, bảo vệ môi trường, đặc biệt là quần đảo Galapagos".
Tin nổi bật
Tin Video