Tin tức

Tập trung chăm lo đời sống nhân viên y tế chống dịch tại TP.HCM

(VOVTV) - Chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, công văn đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc chỉ mang tính nhắc nhở. Đồng thời đại diện Bộ Y tế cũng cho biết sẽ cùng TP.HCM cố gắng hài hòa quyền lợi của lực lượng y tế để cùng vượt qua đại dịch COVID-19.

Tác giả Vũ Hường / VOV TP.HCM
09/09/2021 22:35

Công văn chỉ mang tính nhắc nhở, không đặt nặng kỷ luật

Chiều 9/9, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã giải thích về nội dung công văn ngày 4/9  do ông ký, có điều khoản thu hồi chứng chỉ hành nghề của y bác sĩ gây chú ý thời gian qua. 

Tập trung chăm lo đời sống nhân viên y tế chống dịch tại TP.HCM - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp báo chiều 9/9

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước tình hình dịch diễn ra phức tạp khó lường, TP.HCM trước đó đã huy động gần 20.000 cán bộ nhân viên y tế trong giai đoạn đầu. Khi số lượng người bệnh tăng lên, Bộ Y tế đã huy động thêm lực lượng từ các cơ sở y tế từ Trung ương, địa phương hỗ trợ TP.

Hiện có gần 6.700 nhân viên y tế được huy động cho TP.HCM ở các khâu như ở các bệnh viện, tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, đây là sự huy động lớn nhất từ trước đến giờ. Những cán bộ nhân viên y tế này đều mong muốn hỗ trợ cho người dân TP vượt qua đại dịch COVID-19, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn trong quá trình sinh hoạt, làm việc.

TP.HCM cũng đã quan tâm, bố trí chỗ ăn, ngủ, đảm bảo các yêu cầu về sinh hoạt cho nhân viên y tế. Do đó, ông Sơn khẳng định, không có lí do nào để nói nhân viên y tế không được quan tâm và thiếu thốn. Nhưng với gần 7.000 nhân viên y tế nên Bộ và TP không thể giải quyết hết mong mỏi của đồng nghiệp. Bộ sẽ cùng TP.HCM cố gắng hài hòa quyền lợi của đội ngũ y tế để vượt qua đại dịch.

Về công văn ngày 4/9 của Bộ Y tế quy định kỷ luật y bác sĩ nếu “tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề”, ông Sơn cho biết thời gian qua, một số đơn vị y tế trên cả nước có hiện tượng từ chối bệnh nhân dẫn đến tình trạng người bệnh gặp tổn thất về sinh mạng cũng như gia đình.

Đứng trước tình hình dịch phức tạp, khó lường, các trường hợp diễn biến nặng, tử vong nhiều nên thời gian đầu, một số bác sĩ do sức ép về tâm lý chịu không nổi, tự ý bỏ việc. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, công văn của Bộ Y tế không nhấn mạnh việc kỷ luật y bác sĩ mà chỉ mang tính nhắc nhở.

“Việc Bộ Y tế nhắc nhở mong muốn đồng nghiệp cùng nhau chung sức cho trận chiến COVID-19 hết sức phức tạp, khó lường này, cùng với cả toàn thể người dân Việt Nam đạt được thắng lợi. Còn vấn đề kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, chúng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề đặt nặng của công văn này. Một lần nữa mong đồng nghiệp thấu hiểu,” Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Sớm nâng cao đời sống của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch

Tập trung chăm lo đời sống nhân viên y tế chống dịch tại TP.HCM - Ảnh 2.

Họp báo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM chiều 9/9

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, chính sách chăm lo tuyến đầu chống dịch đã và đang được thực hiện xuyên suốt từ trước đến nay. Theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, có 2 nghị quyết được ban hành liên quan đến phụ cấp cho lực lượng y tế tuyến đầu. 

TP.HCM hỗ trợ mức tiền ăn của lực lượng tham gia chống dịch là 120.000 đồng/người/ngày; lưu trú dành cho lực lượng y tế, y bác sĩ (nhằm tránh trường hợp lây nhiễm cho người nhà) tại các quận và TP. Thủ Đức không quá 450.000 đồng/người/ngày, cấp huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, với những cơ sở y tế công lập, bệnh viện chuyển đổi công năng, thành phố bảo đảm các chế độ hưởng lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, trên tinh thần không giảm. Đối với phản ánh có một số vấn đề đời sống của nhân viên y tế thời gian gần đây, ông Châu cho biết: “Vừa qua có một số trục trặc nhỏ liên quan đến vấn đề chăm lo nhân viên trong các bệnh viện dã chiến mới thành lập, của trung tâm hồi sức, đây là những trục trặc nhỏ, sơ sót trong quá trình tổ chức. Thành phố cũng sẽ chấn chỉnh và điều chỉnh vấn đề này.”

Chia sẻ về vấn đề chất lượng thực phẩm cho y bác sĩ thời gian vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đơn vị luôn có kế hoạch kiểm tra, can thiệp kịp thời để giải quyết các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, thời gian qua do không chịu nổi chi phí 3 tại chỗ và khâu vận chuyển nên một số doanh nghiệp cung cấp suất ăn đang gặp khó khăn, hơn phân nửa số đó đã đóng cửa. Tuy nhiên sau 4 đợt dịch, TP.HCM vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong bệnh viện dã chiến, khu cách ly.

Theo báo cáo mới nhất, khi khảo sát 60 bệnh viện thì có 5 đơn vị không hài lòng với bữa ăn, khẩu vị chưa vừa miệng, thức ăn bị nguội, khó ăn… Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đang tiến hành một số biện pháp chấn chỉnh, nấu các suất ăn phù hợp với phần đông các lực lượng tại bệnh viện.

 Về trường hợp nhân viên y tế không may thành F0 và suất ăn giảm từ 120.000 đồng/ngày xuống 80.000 đồng/ngày (bằng với bệnh nhân), bà Phạm Khánh Phong Lan: “Chúng ta phải có những phần riêng biệt cho nhân viên y tế để họ có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe để tiếp tục tham gia công việc. Vì vậy tiếp tục áp dụng suất ăn cho nhân viên y tế (không may thành F0) thì sẽ phù hợp hơn.”

TP.HCM đã đồng ý chủ trương đề nghị tăng chất lượng suất ăn cho nhân viên y tế, bệnh nhân và  thực hiện sớm nhất có thể để cải thiện tình hình./.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn