Tân Tổng thống Mỹ và những thách thức trên cương vị mới
(VOVTV) - Tổng thống Mỹ Joe Biden trưa ngày 20/1 (theo giờ Mỹ) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ông Biden sau đó đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ với thông điệp kêu gọi người dân đoàn kết.
"Hôm nay là ngày của nước Mỹ"
Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã diễn ra khá suôn sẻ tại thủ đô Washington trong bối cảnh an ninh được siết chặt và quy mô sự kiện được thu hẹp do dịch bệnh Covid-19 và bất ổn an ninh. Chỉ có khoảng 1.000 khách mời tham dự so với con số 200.000 như những năm trước, tuy nhiên đã có tới 25.000 vệ binh quốc gia được huy động bảo vệ an ninh cho sự kiện này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu: "Hôm nay là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của dân chủ. Ngày của lịch sử và hy vọng, ngày của làm mới và quyết tâm. Trải qua nhiều năm, nước Mỹ đã lại một lần nữa được thử thách và đã đứng lên đương đầu với thử thách đó. Ngày hôm nay, chúng ta mừng chiến thắng, không phải của một ứng cử viên mà của một quá trình dân chủ. Ý nguyện của người dân đã được lắng nghe và đã được chú ý tới. Chúng ta lại nhận thức được rằng dân chủ là quý giá, dân chủ rất mong manh và tại thời điểm này, dân chủ đã chiến thắng."
Thượng nghị sĩ Mitt Romney cho rằng, bài phát biểu "rất mạnh mẽ", Thượng nghị sĩ Pat Toomey ca ngợi lời kêu gọi đoàn kết của ông Biden, trong khi đó Thượng nghị sĩ Susan Collins tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Biden để thúc đẩy các mục tiêu chung của nước Mỹ.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và tổ chức quốc tế đã ngay lập tức đăng thông điệp chúc mừng hai nhà lãnh đạo mới của Mỹ qua mạng xã hội hoặc đường truyền video. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đồng thời cũng cam kết tăng cường hợp tác với Chính phủ mới ở Mỹ để giải quyết những thách thức chung.
Những thách thức trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ
Bắt đầu một nhiệm kỳ mới, Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và về đối nội, thách thức trước tiên và trên hết chính là xử lý đại dịch Covid-19 và những hệ lụy, đặc biệt là về kinh tế-xã hội mà dịch bệnh gây ra. Dữ liệu của Đại học John Hopkins cho thấy, cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua đã khiến hơn 24 triệu người bị nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người ở Mỹ.
Thách thức thứ hai đó là nhanh chóng hoàn thiện bộ máy nhân sự để điều hành công việc của Chính phủ. Thách thức thứ ba, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đó là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội và đoàn kết nước Mỹ, sau một mùa vận động tranh cử 2020 gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Cùng với đó là những nguy cơ thường trực bất ổn an ninh và xung đột do chính các nhân tố bên trong gây ra, trong bối cảnh xung đột đảng phái và sắc tộc tại Mỹ hiện ở mức cao hơn bao giờ hết.
Về đối ngoại, thông điệp xuyên suốt mà ông Joe Biden nêu lên trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, đó là "nước Mỹ đã trở lại" để sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không thoái lui. Tân Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Chính quyền Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump, mà ông Biden gọi là "Nước Mỹ một mình". Theo đó, Mỹ sẽ không nắn gân đồng minh, không tôn vinh chủ nghĩa dân túy và sẽ không rút khỏi các cam kết quốc tế. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ quay trở lại chính sách truyền thống kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đó là củng cố các mối quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, lấy giá trị dân chủ làm nguyên tắc cốt lõi để tập hợp lực lượng. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng, sau bốn năm dưới thời Chính quyền Donald Trump, cả ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm chủ nghĩa đa phương, quan hệ đồng minh và giá trị dân chủ, đã bị mai một tới mức mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể khôi phục được.
Tin nổi bật
Tin Video