Lăng kính

Tân binh ngày ấy

(VOVTV) - Tân binh có lẽ là quãng thời gian cho ta những hoài niệm đẹp, tuyệt vời nhất đời quân ngũ. Những ngày đó cho ta hiểu hơn về cuộc sống của những người lính, sự hi sinh, cống hiến thầm lặng và đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội. Đó có lẽ là quãng thời gian mà không một người lính nào có thể quên được.

Tác giả Đặng Đồng / VOVTV
06/03/2021 04:27

Luộc quân

Thời điểm ấy cách đây hơn 12 năm, nhưng cảm xúc ngày đầu "luộc quân" vẫn hằn sâu trong tâm trí và ùa về gặm nhấm trong tôi mỗi khi nhắc đến. Tôi nhớ rất rõ đêm đó hầu như cả khu nhà ở đều thức khuya vừa để chuẩn bị mọi thứ, vừa tâm sự, dặn dò, động viên nhỏ to của bậc cha mẹ cùng những đứa con trước khi vào chảo lửa "luộc quân".

Rời Học viện Hải quân, chúng tôi đến với "chảo lửa" Cam Ranh bắt đầu hành trình gian khổ "mài kỹ luyện chí" để trở thành người lính chiến Hải quân. "Chảo lửa" chào đón chúng tôi bằng cái nắng chói chang, mùi khét lẹt của đất bị thiêu đốt. Làm bạn với những người lính gần như chỉ có nắng, gió và cát ở đây. Đơn vị huấn luyện tôi và đồng đội là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 - mệnh danh "Lữ đoàn thép".

Tân binh ngày ấy - Ảnh 1.

Các chiến sĩ tham dự khai giảng huấn luyện chuyên môn kỹ thuật

Bài học đầu tiên của chúng tôi là cần vượt qua rèn luyện thể lực, khả năng chịu đựng với điều kiện khắc nghiệt nơi đây. Tuần đầu tiên chúng tôi bắt đầu khổ luyện lúc nắng bắt đầu đổ lửa, phải giam mình hàng giờ trong cái nắng thiêu đốt để lột bỏ đi vẻ thư sinh của những thanh niên mới lớn.

Nhanh chóng biến mình những "cột than" di động biết đi với nước da cháy nắng đen sì chỉ sau vài ngày. Hay gấp chăn cũng là một trong những bài học rèn luyện tính tỉ mỉ và chính nó là thứ đã "cướp" đi giấc ngủ trưa của một số người lính sau này khi gấp chăn xấu. Ở đơn vị tôi cứ một đồng chí gấp chăn xấu thì cả tiểu đội tuần đó trưa nào cũng đưa nhau ra sân gấp chăn. Đây là bài học lấy tập thể rèn cá nhân, chính những bài học này cho chúng tôi biết thế là nào là đoàn kết, thế nào là đồng đội.

Bắt đầu từ 5 giờ sáng với 11 chế độ trong ngày, 4 bài thể dục sáng, 16 động tác võ là những thứ giúp chúng tôi khởi động một ngày mới đầy vất vả, kết thúc ngày với chế độ điểm danh điểm quân số, đi ngủ.

Những ngày đầu tân binh mấy chế độ huấn luyện ở thao trường và điều lệnh là nỗi ám ảnh với chúng tôi, vừa khó, vừa mệt đòi hỏi tính kiên trì, chịu đựng. Ke chân là động tác đầy ám ảnh nhất, ngày đó chúng tôi căng dây kẻ vạch để tập, ai ke chân thấp hơn dây hay không đủ thời gian là bị đánh hoặc là phải tập khi người khác được giải lao, tối đi gác phạt.

Tân binh ngày ấy - Ảnh 2.

Kiểm tra kết thúc bắn súng bộ binh

Cả người đau nhức và ê ẩm là những gì còn sót lại sau những lần ke chân. Hay là những hôm huấn luyện đêm hành quân di chuyển vào khu vực chiến đấu, đào hào. Luyện tập, đào hào cả đêm ai cũng mệt và vất vả nhưng những đêm đó lại mang đến nhiều kinh nghiệm sinh tồn trong huấn luyện, chiến đấu.

Rồi những lần vác súng chạy mấy ngàn mét để luyện tập đánh trận ai nấy đều cố gắng vắt kiệt sức lực để hoàn thành nhiệm vụ dù có phải cõng hay dìu nhau chạy vì nếu bỏ cuộc hay ở lại phía sau... đều có hình phạt chờ đợi. Sau những buổi luyện tập đó mặt ai cắt cũng không ra máu. Để tăng cường thể lực cho bộ đội, đơn vị tôi cứ những đêm cuối tuần là tổ chức hành quân, với ba lô đầy cát.

Không một ai được gian dối bởi trước và sau khi hành quân đều được kiểm tra ba lô với số lượng là 30kg cát. Cũng có hôm kiểm tra bất chợt trên đường hành quân. Ban đầu chúng tôi chưa quen nên rất mệt, đặc biệt vai rỉ cả máu, chân phồng rộp, bỏng cả da. Sau dần với chúng tôi đó lại là những đêm hành quân thú vị, vừa vui vừa được học hỏi nhiều kiến thức thực tế.

Tất cả những chế độ trong ngày có lẽ tăng gia sản xuất là chế độ không tạo cho chúng tôi nhiều áp lực, mà lại thư giãn như đi nhặt phân bò, tưới rau... Có những đêm dài để lại trong tôi và đồng đội những kỷ niệm không quên, chắc có lẽ là "báo động". Thứ mà cho chúng tôi nếm đầy đủ hương vị cay đắng mệt nhọc. Ngày ấy nếu đơn vị có chuyện gì đó có khả năng báo động, đêm đó chúng tôi mặc luôn quần áo, đi giày đầy đủ tác phong luôn rồi đi ngủ mặc dù thời tiết rất nóng, khó chịu nhưng để kịp thời gian thì như vậy cũng đáng.

Tiếng còi trong đêm

12 giờ đêm lúc mọi người đang say sưa trong giấc ngủ sau một ngày huấn luyện. Bỗng vang lên tiếng còi "tít tít – tít tít – tít tít, trung đội 2 báo động chiến đấu", đây có lẽ là tiếng còi ác mộng nhất với những người lính tân binh.

"Báo động mọi người ơi, dậy, dậy đi, chạy nhanh lên". Sau đó lần lượt những tiếng bịch bịch, nhảy từ giường tầng xuống. Tôi giật mình bật dậy như con tôm, nhanh chóng nhảy xuống giường vơ lấy bộ quần áo, đôi giày, vừa chạy vừa mặc quân phục để chạy ra cho kịp. Một cảnh khẩn trương, cấp bách kiểu như sắp đánh trận với giặc đến nơi.

"Có ai biết giày tôi đâu không" tiếng của Phúc "ghẻ" hỏi trong cuống quýt như sắp khóc đến nơi. "Hình như ông lúc chiều giặt giày đang để ngoài lan can ấy", Công "loe" đáp lại. Như được cứu sống, Phúc "ghẻ" chạy vụt ra lan can.

Chúng tôi lao ra sân, đến nơi thì trung đội trưởng đã đứng ở đó từ lúc nào. Theo quy định phải có mặt sau khi phát lệnh trong vòng 3 phút là đạt yêu cầu. Sau khi kiểm tra tác phong, quân số đầy đủ. Chúng tôi được lệnh hành quân khu vực huấn luyện bắt đầu đánh địch đột tập kích bí mật nhanh chóng triển khai đội hình như khi huấn luyện.

Mỗi tội lần này trời mới mưa xong bùn đất lầy lội chúng tôi phải dằm mình trong nước mưa, bùn lầy, rác để chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Sau đó chúng tôi còn phải chạy thêm 15km nữa mới kết thúc báo động. Những hôm báo động như vậy vẫn thường xuyên xảy ra khi mà trong đơn vị có vi phạm, hoặc tác phong chậm. Trong thời gian huấn luyện ở đây chúng tôi đã phải trải qua hàng chục lần báo động, có nhiều đêm phải bò trên đường bê tông, rách cả đầu gối, khuỷu tay. Hay những hôm áo quần đầy bùn đất mà không được tắm để nguyên vậy đi ngủ...

Tân binh ngày ấy - Ảnh 3.

Kiểm tra huấn luyện kỹ năng thực hành cho Tiểu đội trưởng tại Tiểu đoàn

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Cuộc sống những ngày đầu vất vả, khó khăn là thế nhưng những người lính chúng tôi đều vượt qua tất cả duy chỉ có một thứ, tạo cho chúng tôi nhiều áp lực, khó chịu nhất thời điểm đó lẽ là nước ngọt. Nước ngọt ở đây vô cùng quý giá, nhiều tuần liền không có nước, đến lúc có cũng rất ít. Nước để đánh răng rửa mặt đã hiếm rồi chứ chưa nói đến tắm rửa, đây cũng là một nguyên nhân cho chúng tôi mắc những căn bệnh ngoài da.

Nhiều sáng, chúng tôi phải chắt mót từng giọt nước còn sót lại để đánh răng rửa mặt, nhiều binh nhì đến sau thì chấp nhận là về không. Để khắc phục tình trạng đó dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng chúng tôi quyết tâm đào giếng lấy nước để cải thiện cuộc sống. Hằng ngày cử ra 5 người thay nhau đào giếng. Thấm thoát một tháng trôi qua và rồi giếng cũng được đào xong, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Từ đó chúng tôi không còn thiếu nước tắm, không còn những "cơn ngứa" gãi đến rỉ máu nữa.

Tân binh ngày ấy - Ảnh 1.

Một buổi tham gia đào ao nuôi cá ngày tân binh

Khi cái nắng thiêu đốt bị những cơn mưa đầu mùa đuổi đi, cuộc sống của chúng tôi cũng bớt đi cơ cực, dễ chịu hơn. Nhưng cũng có một lần trong mùa mưa năm đó, chúng tôi phải di tản đơn vị, chống và tránh lũ ngay trong đêm. Một đêm không ngủ, nhưng đầy kỷ niệm và đặc biệt hơn là cho chúng tôi thấy tình đồng đội là thứ tình cảm thiêng liêng, không phải ai cũng vinh dự có được nó.

Thời gian thấm thoát trôi đi, chúng tôi dần yêu thích những chế độ ở đây đặc biệt là những hôm luyện tập tổ chiến đấu bộ binh. Tôi và đồng đội thường rúc vào những cây dại trốn nắng nói chuyện, chia nhau cái bánh, chai nước mang theo... Ngoài nhiệm vụ chính là huấn luyện chúng tôi còn tham gia cải tạo, xây dựng cảnh quan đơn vị. Sau mấy tháng nay đơn vị đã có bể nước, sân sinh hoạt, khu tăng gia, vườn đu đủ, ao nuôi cá, những hàng cây rợp bóng đó là những gì chúng tôi đã cố gắng sau những giờ luyện tập gian khổ. Mỗi ngày một ít từ một chỗ chỉ có cát, cây bụi nay đã trở thành một doanh trại "xanh sạch đẹp".

Từ những thanh niên mảnh mai, gầy gò, khuôn mặt thư sinh non choẹt qua sự tôi luyện của "chảo lửa" đã "luộc" chúng tôi thành những người lính chân chính, trưởng thành hơn, tự tin, bản lĩnh hơn khi đứng trước kẻ thù, cuộc sống.

Rời "chảo lửa" về với mái trường mơ ước nhưng ai nấy đều lưu luyến, ngoảnh đầu nhìn lại đến khi nó dần mất hút trong tầm mắt mới thôi. Đúng như những lời thơ Chế Lan Viên từng viết "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Những gì trải qua ở đây và chính cái "chảo lửa" này sẽ là một phần không thể thiếu trong chính trái tim và tâm hồn của tôi.

Ý kiến của bạn