Tin tức

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao

(VOVTV) - Để có điều kiện học tập, nhiều em nhỏ chưa đến 10 tuổi vùng cao đã phải đến ở bán trú tại trường. Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ nhưng bù lại, các em có được sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo - những người cha, người mẹ thứ hai.

Tác giả Công Luận / VOV Đông Bắc
20/11/2021 16:07

Bữa cơm trưa của học sinh bán trú tại trường Giáo Hiệu, xã Giáo Hiệu, huyện vùng cao Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn hôm nay có cơm trắng, thịt, rau xào và canh khoai. Hơi cơm nóng cùng mùi thơm của thức ăn thật hấp dẫn và những bữa ăn nóng sốt, đầy đủ dinh dưỡng như thế này đã được các thầy cô giáo ở đây duy trì suốt hơn 10 năm qua.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 2.

Trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

Trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu có 1 điểm trường chính và 4 điểm lẻ ở các thôn bản với hơn 350 học sinh, trong đó có hơn 90 em ở bán trú tại điểm trường chính. Nhiều em ở tận các bản người Mông lưng chừng núi, cách trường đến hơn 10 cây số như Hồng Mú, Khau Slôm. Mỗi sáng thứ Hai, các em được bố mẹ đưa xuống trường, ăn ở, học tập rồi cuối tuần mới đón về nhà. Do đó, mọi việc chăm sóc, dạy dỗ đều trông cả vào các thầy cô giáo.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 3.

Trường có khu vực nội trú dành cho học sinh

Điểm trường chính Tiểu học và THCS Giáo Hiệu có chỗ ở bán trú cho tất cả các khối học, được phân chia thành phòng nam, nữ, có bếp ăn, có cán bộ phục vụ nấu nướng. Gọi là ở bán trú, nhưng mọi sinh hoạt, học tập, ăn nghỉ của các em không khác gì học sinh trường nội trú khác. Cũng chính vì vậy, công việc của hơn 20 thầy giáo, cô giáo cũng vất vả hơn. Mỗi ngày, nhà trường phải cử một số giáo viên thay phiên trực, quản lý mọi việc sinh hoạt, học tập của các em.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 4.

Cô giáo Hoàng Thị Lê có 8 năm gắn bó với học sinh tại Giáo Hiệu

“Chúng tôi phải dạy cho các em kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày, từ ăn cơm, học bài, vệ sinh cá nhân đến quần áo, giấc ngủ trở đi. Một ngày chúng tôi bắt đầu nhận ca lúc 7h sáng và kết thúc lúc hơn 21h, khi các em đi ngủ, Ban Giám hiệu sẽ trực. Dạy học sinh vùng cao vất vả, nhưng chúng tôi làm việc vì trách nhiệm và tâm huyết với nghề”- cô giáo Mạc Thị Hậu cho biết.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 5.

Các em học sinh tự giác dọn dẹp vệ sinh, rửa bát sau bữa ăn

Ở vùng núi đá, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Thương học trò thiếu thốn, các thầy cô lại đi kêu gọi, huy động các nhà hảo tâm từng tấm chăn, từng chiếc áo ấm. Khi các em đau ốm bất chợt, cũng chính các các cô, các thầy luôn ở bên chăm sóc, thuốc thang...

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 6.

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Mạc Thị Hậu có thêm nhiệm vụ hướng dẫn, kèm các em học bài cũ

Cô giáo Hoàng Thị Lê đã có hơn 8 năm gắn bó với vùng cao Giáo Hiệu. Điều đặc biệt là chồng cô cũng là giáo viên dạy ở huyện khác, cách hơn 100km nên 2 con nhỏ phải gửi ở trường trung tâm huyện.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 7.

Chăm lo các con từ bữa ăn đến cách sinh hoạt hàng ngày

Hơn 21h, khi học sinh bán trú lên giường đi ngủ, cô giáo Lê mới vượt hơn 6 km đường đèo dốc để về nhà với các con. Vất vả, khó khăn nhưng cô giáo Lê cũng như các thầy giáo, cô giáo khác luôn nỗ lực vì trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu thương đối với những đứa trẻ nghèo.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 8.

Hướng dẫn các em sắp xếp giày dép

Với học sinh lớp lớn, các thầy giáo, cô giáo còn phải như những người bạn, người anh, người chị... thường xuyên tâm sự, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, định hướng suy nghĩ và cả tư vấn tâm lý cho các em. Còn với những bé lớp 3, lớp 4 thì các thầy giáo, cô giáo phải thực sự là những người cha, người mẹ.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 9.

Thầy giáo Lường Văn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu kiểm tra bữa ăn trưa các em bán trú

“Các con mới ở điểm trường xa về đây thì còn rất bỡ ngỡ, các cô thường phải dạy lại từ đầu, từ cách ăn, uống, ngủ nghỉ, học tập để có thể hòa nhập với các anh chị. Các con lúc đầu còn nhớ nhà, các cô phải động viên các con như con cái các cô vậy. Có vất vả nhưng đó là trách nhiệm, là niềm vui, là lựa chọn của các thầy cô rồi. Được tiếp xúc với các con, tôi chỉ mong các con học tập tốt để sau có tương lai tốt đẹp hơn”- cô Hoàng Thị Lê nói.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 10.

Ngoài vai trò là người thầy, họ còn như những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh

Cậu bé Đặng Quầy Kiêm, dân tộc Dao ở bản Khâu Slôm, năm nay học lớp 8. Ngoan ngoãn, nhanh nhẹn và rất có ý thức giúp đỡ những người xung quanh nên Đặng Quầy Khiêm được cử làm nhóm trưởng, giúp các thầy giáo, cô giáo theo dõi, nhắc nhở các bạn thực hiện đúng nội quy, giờ giấc.

“Ở đây cháu được các thầy cô quan tâm, chăm sóc, có cơm ăn đầy đủ. Sáng thầy cô lên kiểm tra phòng, khi ăn cơm thì phải vệ sinh sạch sẽ, nhắc học bài... Ở đây cháu cảm giác như ở nhà với bố mẹ vậy”- em Kiêm chia sẻ.

Tấm lòng thầy cô giáo vùng cao - Ảnh 11.

Phần lớn các bản làng ở Giáo Hiệu đều ở xa trung tâm, đời sống người dân còn khó khăn

Tuy có tới gần 100 học sinh ở bán trú nhưng nhà trường chưa được công nhận là trường Phổ thông dân tộc Bán trú nên phụ cấp của các thầy cô chỉ vài chục nghìn mỗi tháng.

Thầy giáo Lường Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu cho biết, phụ cấp của các thầy cô trực bán trú thì theo định mức của học sinh, nên cả một học kỳ trường được khoảng 5 triệu, chia cho hơn 20 thầy cô, nghĩa là một kỳ học mỗi thầy cô được hơn 200.000 đồng.

"Với mức độ tương xứng thì còn ít, nhưng vì trách nhiệm và vì học sinh thôi, tất cả các thầy cô đều đảm bảo thực hiện theo lịch phân công và Ban Giám hiệu cũng động viên các thầy, cô cố gắng và các thầy cô cũng rất nhiệt tình với công việc này"- thầy Lương Văn Hải cho biết.

Trên địa bàn huyện vùng cao Pác Nặm có 31 trường học, nhưng chỉ có 9 trường được công nhận là trường Phổ thông dân tộc bán trú, các trường còn lại tuy đều có học sinh ở bán trú nhưng giáo viên tại các điểm trường này hầu như không được hưởng các khoản hỗ trợ tương xứng. Vậy nhưng, các thầy cô vẫn làm tốt trách nhiệm của mình bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ và cả tình thương của của những người cha, người mẹ với mong muốn những đứa trẻ vùng cao an tâm đến lớp, thắp thêm niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn trên miền rẻo cao này.

Ý kiến của bạn